Cứu hộ cứu nạn: Các điều cần lưu ý trong công tác cứu nạn cứu hộ sự cố hóa chất
Các sự cố hóa chất nhìn chung rất nguy hiểm cho con người và môi trường xung quanh do các hóa chất đa phần độc hại như: các dung môi hữu cơ, axit, các muối vô cơ…Chính vì vậy, cần đặc biệt lưu ý và cẩn trọng trong công tác cứu nạn – cứu hộ các sự cố hóa chất.
Trong thời gian gần đây, có rất nhiều sự cố hóa chất xảy ra trên địa bàn cả nước gây thiệt hại lớn về của cải vật chất, thậm chí cả con người. Một số vụ điển hình như:
– Cháy container chở Phopho trắng tại cảng Nam Hải Hải Phòng khiến 52 chiến sĩ CSPCCC – CNCH bị ngộ độc khí vào ngày 27/11/2015.
– Tràn đổ axit ra đường tại quận Thủ Đức, TP.HCM vào ngày 15/12/2014.
– Lật xe tải chở axit tại Đồng Nai vào ngày 11/4/2014.
– Xe bồn chở dầu chạy trên quốc lộ 51, hướng từ Bà Rịa – Vũng Tàu về Đồng Nai. Đến xã Phước Tân (TP Biên Hòa), xe phanh gấp, dầu trên bồn bất ngờ trào lên, chảy xuống mặt đường, kéo dài 40 m vào ngày 8/10/2015.
– Bục đường ống, hóa chất tại Công ty hóa chất Soft-SCC (đường Ngô Quyền, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) trong quá trình bơm 1100 tấn hóa chất từ tàu vào bồn chứa khiến 300 tấn hóa chất tràn ra sông cửa Cấm.
Nhân viên Công ty TNHH Cứu hộ – Cứu nạn Đại Minh trong một lần xử lý sự cố tràn dầu trên sông Sài Gòn
Vậy, sự cố hóa chất là gì? Những điều cần chú ý khi tham gia công tác cứu bạn, cứu hộ các sự cố hóa chất ra sao?
Sự cố hóa chất là các tai nạn xảy ra trong vận chuyển, sử dụng, sản xuất, lưu trữ có liên quan đến hóa chất bao gồm: Sự cố rò rỉ thất thoát hóa chất ra môi trường; Sự cố cháy, nổ hóa chất; Sự cố đổ tràn hóa chất; Sự cố ngộ độc hóa chất… Cần chú ý rằng, các sản phẩm của dầu mỏ như xăng, dầu điezel cũng nằm trong danh mục hóa chất. (Theo TCVN – 5507).
Các sự cố hóa chất nhìn chung rất nguy hiểm cho con người và môi trường xung quanh do các hóa chất đa phần độc hại như: các dung môi hữu cơ, axit, các muối vô cơ…Chính vì vậy, trong công tác cứu nạn – cứu hộ các sự cố hóa chất, cần chú ý các điều sau đây:
– Khi phát hiện sự cố, cần phải xác định rõ, sự cố liên quan đến hóa chất gì, địa hình triển khai cứu nạn cứu hộ ra sao để kịp thời đưa ra các phương án ứng phó phù hợp.
– Cảnh báo kịp thời và di tản tất cả con người, của cải ra khỏi nơi xảy ra sự cố.
– Đối với việc cứu nạn, cứu hộ, điều quan trọng nhất là cứu tính mạng con người.
– Đối với các chiến sĩ CSPCCC – CNCH và những lực lượng tham gia cứu nạn cứu hộ khác phải được trang bị các phương tiện, thiết bị bảo hộ chuyên dụng như quần áo, mũ, gang tay, ủng, mặt nạ phòng độc, bình dưỡng khí (nếu cần)…
Trang thiết bị bảo hộ khi tham gia cứu nạn cứu hộ sự cố hóa chất
– Nếu sự cố hóa chất là sự cố cháy nổ, cần kết hợp công tác cứu nạn cứu hộ với công tác chữa cháy.
Một số trường hợp cụ thể như sau:
– Đối với sự cố tràn dầu, hóa chất mặt nước: Cần quây và khoanh vùng hóa chất. Sau đó sử dụng các phương pháp để thu gom hoặc tiêu hủy tại chỗ. Khi tiêu hủy, các lực lượng cứu nạn cứu hộ cần chú ý hậu quả môi trường để lại để có phương hướng khắc phục
– Đối với sự cố đổ dầu ra mặt đường: Cảnh báo cho các phương tiện đang tham gia giao thông, tránh trượt ngã gây tai nạn. Sử dụng cát khô để trải trên mặt đường có chứa dầu để tang ma sát, tránh trơn trượt và có tác dụng thu gom dầu. Tuyệt đối không phun nước vì nước không có tác dụng rửa trôi dầu.
Xử lí sự cố tràn dầu mặt đường bằng cát
Xử lí sự cố tràn đổ axit ra mặt đường
– Đối với sự cố tràn đổ axit ra mặt đường: Cần quây, khoanh vùng để axit không lan tràn rộng trên mặt đường bằng cát. Sử dụng vôi bột hoặc vôi tôi để trung hòa axit (tuyệt đối không được phun nước ngay). Sau khi axit bị trung hòa hết, sử dụng nước để rửa trôi, làm sạch mặt đường.
Hữu Hiệu (BM2)