PCCC: Tuyệt đối không dùng thang máy, không chạy lên các tầng cao hơn và dùng băng dính dán hoặc vải vóc bịt toàn bộ khe cửa không cho khói bay vào… là lời khuyên của cảnh sát PCCC. Sau vụ cháy ở chung cư cao cấp Carina Plaza (TP.HCM) khiến 13 người tử vong, hàng chục trường hợp phải nhập viện cấp cứu, nhiều người đặt câu hỏi người dân sống ở các căn hộ cao tầng cần phải trang bị những gì phòng trường hợp cháy xảy ra, khi cháy họ phải làm gì và không được làm gì… Cháy nhà cao tầng, người dân nên làm gì? Theo trung tá Hoàng Văn Khoa, Phó phòng hướng dẫn, kiểm tra (Cảnh sát PCCC tỉnh Khánh Hòa), việc đầu tiên để thoát nạn khi xảy ra cháy phải bình tĩnh, tìm lối thoát hiểm bộ, tuyệt đối không dùng thang máy vì bạn có thể bị kẹt lại khi mất điện. Dùng chăn, áo thấm nước choàng lên người và bịt mũi để phòng khói ngạt, độc, lửa cháy lan trên cơ thể. Cột chăn mền, dây để thoát thân trong vụ cháy chung cư Carina Sài Gòn. Ảnh: Tùng Tin.Cũng theo trung tá Khoa, đôi khi các cuộn dây vòi nước vách tường tòa nhà chính là các dây làm vật dụng cứu nạn khi có hỏa hoạn. Người gặp nạn có thể dùng dây buộc vào nơi có thể để tụt theo dây xuống đất nếu độ cao đủ cho độ dài của dây vòi. Còn trong trường hợp lửa lớn, không khống chế được, hãy vào phòng nơi không có lửa cháy đến đóng kín cửa, dùng băng dính dán hoặc vải vóc bịt toàn bộ khe cửa không cho khói bay vào và gọi báo cho lực lượng cứu nạn nói chính xác địa chỉ số phòng, số người, tầng mình đang mắc kẹt. Đề cập đến vụ cháy ở chung cư Carina Palaza, đại tá Phạm Tiến Triệu, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC Đắk Lắk cho rằng cần tìm hiểu thiết kế của chung cư này có đúng theo quy chuẩn hay không. Theo quy định, khi làm chung cư phải làm đường thoát hiểm. “Trong trường hợp cháy ở tầng hầm thì khói sẽ lên trên. Vì vậy, cần kiểm tra lúc cháy hệ thống hút khói tại tầng hầm ra sao, vòi phun nước tự động có hoạt động hay không. Còn nếu hệ thống báo cháy đủ tiêu chuẩn thì khi xảy ra cháy sẽ dập được ngay và báo động để cư dân bỏ chạy ra ngoài”, đại tá Triệu nói. Vụ cháy đã được cảnh báo từ trước. Ảnh: Lê Quân. |
Không làm điều gì khi thoát nạn?
Đại tá Triệu cảnh báo, khi cháy ở nhà cao tầng, người dân không nên chạy lên các tầng cao hơn vì trong thời gian ngắn khói cũng sẽ bao trùm. Lúc này lực lượng cứu hộ rất khó tiếp cận giải cứu hoặc mất nhiều thời gian.
Còn trung tá Khoa cảnh báo, khi phát hiện cháy ở ngoài, trước khi mở cửa thoát, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, tay cầm chốt cửa kiểm tra độ nóng. Nếu thấy nóng thì tuyệt đối không mở bởi cháy đang ở bên ngoài, mở ra lửa sẽ tạt vào người hoặc cháy lan vào nhà.
Còn nếu không có khói hay lửa khi bạn mở cửa, hãy tiến thẳng đến cửa thoát hiểm nơi gần nhất. Trong khi đang tìm cách thoát nạn cùng người khác, hãy đi cùng nhau nếu có thể và gọi báo cho những người khác nơi đi qua.
“Tuyệt đối không được chui gầm giường hay tủ quần áo để tránh lửa dù có sợ hãi, vì khi đó, sẽ rất khó khăn để lính cứu hỏa tìm ra bạn”, trung tá Khoa khuyến cáo.
Phó phòng hướng dẫn, kiểm tra Cảnh sát PCCC tỉnh Khánh Hòa chia sẻ khi mua nhà chung cư, người dân nên tự trang bị các dụng cụ như, mặt nạ phòng độc, dây thoát hiểm, thang dây, bình cứu hỏa mini, chăn chống cháy…
Chung cư đúng chuẩn PCCC ra sao?
Trung tá Khoa cho rằng, hiện tiêu chuẩn PCCC nhà chung cư được quy định rất rõ ràng. Ngoài hệ thống báo cháy, chữa cháy (tự động hoặc bán tự động) trên toàn bộ diện tích, lối thoát nạn cũng cần phải đảm bảo các tiêu chí nghiêm ngặt.
Cụ thể, cầu thang, hành lang thoát nạn; phòng lánh nạn cần phải được bố trí đầy đủ; cửa vào buồng than thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời làm bằng vật liệu không cháy, có cơ cấu tự động giải phóng. Ngoài ra, các giải pháp ngăn lửa và chống tụ khói cho hệ thống lối thoát nạn, sơ đồ chỉ dẫn từng khu vực.
Niêm yết nội quyPCCC, biển cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi cần thiết, các quy định về đảm bảo an toàn PCCC trong việc sử dụng nguồn lửa, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt.
Ngoài ra, với các vật liệu là xăng, dầu, khí ga và các chất nguy hiểm cháy nổ không được đưa vào công trình, nếu trường hợp cần thiết phải sử dụng thì cần hạn chế tối đa số lượng và phải có các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.
Tuyệt đối, không sử dụng vật liệu dễ cháy để làm vách ngăn, ốp trần, tường, trang trí nội thất, cách âm…rèm cửa nên được làm bằng chất chống cháy.
Tổ chức, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho cán bộ quản lý, lực lượng PCCC cơ sở, an toàn viên và những người làm việc trực tiếp tại những nơi nguy hiểm là rất cần thiết.
“Thường có 2 mức định kỳ kiểm tra công tác PCCC đối với nhà cao tầng, là 3 và 6 tháng một lần. Tuy nhiên, trong trường hợp có nghi vấn hoặc người dân ý kiến về yếu tố PCCC của tòa nhà đó thì sẽ tiến hành kiểm, xử lý ngay”, trung tá Khoa nói.(Theo Zing.vn)