Tuy nhiên, trước hiểm họa cháy nổ đó, không ít chủ đầu tư khi xây dựng chung cư chỉ lo chuyện bán nhà, coi nhẹ nguy cơ cháy nổ cũng như tính mạng người dân, bất chấp việc cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí lập biên bản xử phạt vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Ảnh minh họa
Chủ đầu tư “phớt lờ” quy định
Trong danh sách các tòa cao ốc vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy do Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội công bố mới đây, gần một phần mười trong tổng số 759 công trình nhà chung cư cao tầng ở Hà Nội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng. Đáng quan tâm là có cả những chung cư cao tầng hạng sang, đắt tiền.
Vừa qua, Phòng Cảnh sát P1hòng cháy và chữa cháy số 9 – Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động từ ngày 12/5 đến ngày 9/6/2017 đối với chung cư BMM ở Khu Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông do Công ty Sản xuất thương mại BMM làm chủ đầu tư. Lý do là chung cư này chưa đảm bảo các yêu cầu an toàn về phòng cháy chữa cháy nhưng đã đưa công trình vào hoạt động.
Trước khi ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động, ngày 22/6/2016, lực lượng chức năng đã làm việc với chủ đầu tư về các vi phạm phòng cháy chữa cháy, phía chủ đầu tư cũng cam kết hoàn thành trước ngày 30/12/2016. Song quá thời hạn, chủ đầu tư vẫn không tổ chức thực hiện, cơ quan chức năng đã phải ra quyết định xử phạt chủ đầu tư công trình số tiền 80 triệu đồng. Dù bị nhắc nhở, xử phạt nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục vi phạm, đưa các hộ dân vào ở, đưa công trình vào hoạt động khi chưa khắc phục xong những tồn tại về phòng cháy chữa cháy.
Tương tự, tại dự án Golden West địa chỉ lô đất 2.5HH, đường Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân (Hà Nội) do Công ty cổ phần Phát triển thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư hay Công trình Tháp C – VC2 Golden silk địa chỉ tại Khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) do Công ty cổ phần Xây dựng số 2 làm chủ đầu tư, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội phát hiện đây là những dự án nhà ở kết hợp với văn phòng và kinh doanh thương mại, dù chưa được kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn bàn giao căn hộ cho dân cư vào sinh sống hoặc kinh doanh thương mại.
Tại dự án Golden West, chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho khách hàng từ tháng 9/2016, trong khi đó còn rất nhiều hạng mục của công trình chưa hoàn thiện. Hơn 400 hộ dân trên tổng số 600 hộ vào ở trong cảnh phập phồng nỗi lo mất an toàn khi sống chung với công trường và “bà hỏa” ghé thăm khi hệ thống phòng cháy, chữa cháy của chung cư chưa được hoàn thiện, công trình chưa được tổ chức kiểm tra nghiệm thu để vận hành theo đúng quy định của pháp luật.
Trước thực trạng đó, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội đã có tờ trình gửi UBND quận Thanh Xuân về việc yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động đối với công trình Golden West để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Vào giữa tháng 6/2017, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy cứu nạn, cứu hộ (C66, Bộ Công an) tổ chức kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy tại công trình Tổ hợp khách sạn và căn hộ cho thuê Somerset West Point Hanoi, tại số 2 đường Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội). Công trình có quy mô gồm 25 tầng này tồn tại nhiều nội dung không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy để cấp văn bản nghiệm thu đưa vào sử dụng. Cụ thể như giao thông phục vụ chữa cháy, bố trí mặt bằng, lối thoát nạn, giải pháp ngăn cháy lan, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống thông gió, chống tụ khói.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại, dừng ngay việc đưa công trình vào hoạt động cho đến khi được cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, C66 đã lập biên bản vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy đối với Công ty TNHH Biệt Thự Vàng về hành vi đưa công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Gần 80 công trình vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy
Ngoài những công trình bị “điểm mặt” trên, theo Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội, tính đến tháng 6/2017, trong số 759 công trình nhà chung cư cao tầng trên địa bàn Thành phố thì có 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng. Đứng đầu danh sách vi phạm là Tập đoàn Mường Thanh với 11 tòa nhà.
Đáng chú ý, ngay cả những chung cư cao tầng hạng sang, đắt tiền cũng vi phạm phòng cháy chữa cháy như: Tòa nhà FLC Complex (ở số 36 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm), Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, Thanh Xuân) – Công ty cổ phần ACC Thăng Long, Chung cư CT1 Usilk City (phường La Khê, quận Hà Đông)…
Đánh giá về những vi phạm cũng như nguy cơ mất an toàn trước “bà hỏa” tại các tòa chung cư cao tầng trên địa bàn, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh – Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội cho hay: Đối với các công trình nhà cao tầng, việc không để xảy ra cháy nổ cần phải là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải đợi cháy mới lo chữa. Muốn vậy, cần phải đảm bảo ngay từ khâu thiết kế, thi công. Nghĩa là, với công trình cao tầng được cấp phép xây dựng với mục đích kinh doanh lưu trú hoặc bán làm nhà ở thì phải được cơ quan phòng cháy chữa cháy thẩm định.
“Trách nhiệm này thuộc về phía chủ đầu tư, phải công khai mục đích ngay khi làm thủ tục cấp phép xây dựng. Khi công trình đưa vào hoạt động, chủ đầu tư và cư dân sinh sống phải chấp hành đúng các quy định về phòng cháy chữa cháy. Có như vậy mới ngăn chặn được những hiểm họa tiềm ẩn. Nếu để xảy ra cháy nổ tại các công trình nhà cao tầng, với điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện hiện nay thì sẽ rất khó khăn trong công tác tổ chức chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản. Và như thế, thiệt hại sẽ rất khó lường”, đại tá Nguyễn Anh Tuấn nói.
Theo TTO