Hỏa hoạn là sự cháy xảy ra ngòai sự kiểm soát của con người, gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người và tài sản việc ứng phó hỏa hoạn là rất cần thiết phải tìm hiểu và thực hành.
Để ứng phó hỏa hoạn, người ta đã nghĩ ra nhiều cách, chế tạo ra nhiều phương tiện, thế nhưng… cháy vẫn cứ cháy.
Người ta nói “Phòng cháy hơn chữa cháy”. Vì vậy mọi người trong chúng ta cần phải nêu cao ý thức “Phòng cháy” để giảm thiểu tối đa những tai họa tồi tệ này. Đồng thời bảo vệ trước hết là tài sản và tính mạng của chính gia đình mình và sau là của cộng đồng xã hội.
Chúng tôi xin hướng dẫn cách cần thiết để ứng phó với hỏa hoạn:
LÀM GÌ KHI GẶP ĐÁM CHÁY?
Khi thấy một đám cháy phát khởi, chúng ta hãy bình tĩnh:
- Hô to “Cháy! Cháy!” để báo động cho người trong nhà và cư dân gần đó biết (hay có thể thì thổi còi, đánh kẻng…).
- Cúp điện, (và cô lập các nguồn khí gas)
- Dùng bình chữa cháy cá nhân dập lửa ngay
Nếu một mình bạn không thể dập đám cháy:
- Gọi điện thoại (hay chạy đi báo, nếu gần) cho Sở Cứu hoả (114), Cảnh sát (113), Cấp cứu (115). Khi báo nhớ nói rõ chi tiết: địa điểm, số nhà, đường phố, phường, khóm, con đường gần nhất để đến đó. Tính chất đám cháy: lớn, nhỏ, cháy xăng, hoá chất…
- Tập họp đội chữa cháy (những người được huấn luyện trước).
- Nếu là nhà cao tầng thì kêu gọi những cư dân gần đó mang theo mền, bạt, thang, nệm… để cứu những người nhảy qua các cửa sổ.
- Trong khi chờ đợi đội cứu hoả chuyên nghiệp, đội tại chỗ phải tìm mọi cách để áp chế và ngăn chặn ngọn lửa lan, dùng các phương tiện phù hợp và sẵn có như: cát, nước, chăn ướt, bình cứu hoả…
- Cấp cứu (xem phần sơ cấp cứu) và di chuyển các nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm.
- Giúp dân chúng di tản đồ đạc và cắt cử người trông chừng. Giữ trật tự, ngăn cản những kẻ hiếu kỳ và hôi của.
- Bố trí người đón lính cứu hoả, dọn dẹp đồ vật choáng lối đi của nhân viên cứu hoả hay vòi rồng.
- Giúp lính cứu hoả bằng cách phụ giúp di chuyển các vòi nước
Lý Thuyết chữa cháy:
Một đám cháy cần có 3 yếu tố để có thể bắt đầu và lan rộng:
- Nguồn nhiệt (que diêm, tàn thuốc, tia lửa điện…)
- Nguồn nhiên liệu (xăng, dầu, cây gỗ, giấy, vải…)
- Khí oxy (dưỡng khí)
Khi có đủ 3 yếu tố nói trên thì sự cháy vẫn chưa xuất hiện được mà cần phải có 3 điều kiện nữa thì sự cháy mới có thể xuất hiện.
- Nồng độ Ôxy phải lớn hơn 14%
- Nguồn nhiệt phải đạt tới giới hạn bắt cháy của chất cháy.
- Thời gian tiếp xúc của 3 yếu tố đủ để xuất hiện sự cháy.
Loại trừ một trong 3 yếu tố trên là chúng ta bẻ gãy được “Tam giác lửa” để dập tắt đám cháy. Thí dụ:
- Loại bỏ nguồn nhiệt: phun nước vào đám cháy…
- Loại bỏ nguồn nhiên liệu: dẹp bỏ gỗ, cỏ khô, giấy, vải, xăng dầu… ra khỏi đường tiến công của lửa.
- Loại bỏ oxy: phủ bọt chống cháy, chăn ướt lên đám cháy,…
CÁC VẬT LIỆU VÀ DỤNG CỤ CHỮA CHÁY
Có nhiều loại vật liệu và phương tiện chữa cháy khác nhau dùng để dập tắt nhiều loại hoả hoạn khác nhau. Việc dùng sai vật liệu chữa cháy không những có thể gây nguy hiểm cho người chữa cháy mà còn làm cho đám cháy lan rộng ra. Vì vậy chúng ta cần phải hiểu rõ đặc tính của từng vật liệu và dụng cụ chữa cháy
Cát: dùng để dập tắt những đám cháy nhỏ hay những đám cháy do điện, các chất nhựa hoá học hay các chất lỏng dẫn hoả như xăng dầu, sơn… gây ra.
Nước: dùng để chữa các đám cháy do gỗ, giấy, vải, cỏ rác… Tuyệt đối không dùng nước để chữa những đám cháy do điện hay các chất lỏng dẫn hoả như xăng dầu, sơn… gây ra.
Phân loại đám cháy:
Theo tiêu chuẩn Việt Nam, căn cứ vào trạng thái của chất cháy mà đám cháy được phân thành các loại như sau:
- Chất cháy rắn: Ký hiệu A
- Chất cháy lỏng: Ký hiệu B
- Chất cháy khí: Ký hiệu C
- Chất cháy kim loại: Ký hiệu D
- Cháy điện: Ký hiệu E
Phân loại đám cháy và quy ước ký hiệu đám cháy để sản xuất thiết bị phương tiện chữa cháy và sử dụng phương tiện chữa cháy đúng với từng loại đám cháy (trên các bình chữa cháy ghi ký hiệu chữ gì thì sử dụng chữ được những loại đám cháy đó).
Hãy nhớ: ngọn lửa được khống chế sớm được phút nào là cơ may dập tắt càng lớn phút đó. Và khói của hầu như tất cả các đám cháy đều chứa nhiều chất độc, không nên đứng dưới gió. Nếu trong phòng kín thì cố gắng nín thở và chạy ra chỗ thoáng hoặc gần cửa.
XÔNG VÀO NHÀ
Để cứu người trong đám cháy hay giúp họ di tản đồ đạc, đôi khi chúng ta phải xông vào một ngôi nhà đang cháy. Vì vậy, trước khi xông vào nhà đang cháy chúng ta phải biết cách tự bảo vệ mình:
- Bịt mũi và miệng bằng khăn ướt (giảm thiểu bức xạ nhiệt và lọc một phần khí độc)
- Làm ướt đẩm quần áo của mình (có thể choàng thêm một cái mền ướt)
- Đội nón bảo hộ hay ít ra là một cái nồi trên đầu.
Lưu ý: ứng phó hỏa hoạn phải quan sát, đánh giá tình hình nguy hiểm trước khi quyết định tiến vào khi không có trang bị bảo hộ, công cụ hỗ trợ chuyên nghiệp. Hạn chế tối đa việc tiếp cận đám cháy một mình, phải luôn có người hỗ trợ.
Di chuyển trong nhà cháy:
- Giữ thấp người, đi khom lưng nép sát vào tường (hoặc bò càng sát sàn nhà càng tốt) vì tránh được hơi nóng và khói.
- Quan sát phía trên, đề phòng các vật đang cháy rơi xuống.
- Quan sát phía sau xem còn đường thoát ra hay không.
CỨU NGƯỜI
Trong trường hợp có người bị thương hay bất tỉnh, hãy chuyển họ ra hỏi đám cháy bằng phương pháp nào thuận tiện nhất. Nếu gặp người đang ngất vì khói, các bạn muốn di chuyển họ ra khỏi căn nhà cháy, ta có thể dùng một trong những phương pháp ứng phó hỏa hoạn sau:
Bò và kéo nạn nhân:
Đặt nạn nhân nằm ngửa, cột hai tay nạn nhân bằng khăn quàng ở chỗ cườm tay, choàng vòng tay nạn nhân qua cổ của ta rồi vừa bò vừa kéo nạn nhân đi.
Hoặc dùng phương pháp của người lính cứu hỏa hay những phương pháp khác, miễn là an toàn và thuận tiện.
Phương pháp của lính cứu hỏa 1 | Phương pháp của lính cứu hỏa 2 |
Ngăn không cho nạn nhân hốt hoảng chạy ra ngoài vì bất kỳ một cử động hay một làn gió nhẹ nào cũng làm cho lửa cháy mạnh hơn.
– Lập tức quấn chặt nạn nhân bằng áo khoác hay mùng màn, chăn, đệm, thảm, hay một miếng vải dày (tất cả không phải loại làm bằng nilon hay cenlulo). Sau đó đặt nạn nhân nằm xuống, làm như thế lửa sẽ bị ngộp vì thiếu oxy và tắt đi.
– Hay nhanh chóng đặt nạn nhân nằm xuống đất, xoay chỗ bị cháy lên trên rồi dập tắt lửa bằng nước hay bằng các dụng cụ chữa cháy
Lưu ý ! để ứng phó hỏa hoạn tuyệt đối không cố lột quần áo cháy dính vào da nạn nhân sẽ gây vết thương trầm trọng them, cố gắng làm mát và giảm đau bằng nước lạnh cho đến khi nạn nhân được đưa đến nơi chữa trị chuyên nghiệp.
Dừng lại – Nằm xuống và lăn:
Thực tập cho các em Ấu và Thiếu cách đối phó khi áo quần của mình bị bắt lửa bằng cách “Dừng lại, nằm xuống và lăn” (Stop, Drop, and Roll):
- Dừng lại: Nếu em thấy áo quần của mình đang bị bốc cháy, theo bản năng em sẽ chạy đi tìm một lối ra. Đừng hoảng sợ! Ngay lập tức đứng yên, chấm dứt bất kỳ chuyển động nào, vì càng chạy thì lửa càng cháy mạnh hơn.
- Nằm xuống: Lập tức nằm xuống sàn nhà hay mặt đất và che mặt bằng tay.
- Lăn: Lăn tròn trên mặt đất nhiều vòng cho đến khi ngọn lửa bị dập tắt.
Nếu đang ở trong nhà thì dùng chăn hay áo khoác trùm lên ngang cổ rồi mới lăn.
- Chúng ta nên học cách sử dụng một vài dụng cụ chữa cháy đơn giản.
- Mỗi cá nhân hãy tự rèn luyện để có thể tự cứu mình và cứu người khác.
- Nếu việc cứu nạn vượt quá khả năng thì phải đủ khả năng tự thoát nạn, không để mình trở thành gánh nặng cho người khác.
TỰ THOÁT HIỂM KHI NHÀ Ở GẶP HỎA HOẠN
Rời khỏi tòa nhà đang cháy
Khi căn nhà bạn đang ở bị cháy, bạn hãy bình tĩnh, cố gắng hết sức mình để giúp đỡ mọi người ra khỏi toà nhà đang cháy mà không liều lĩnh gây nguy hại cho bản thân.
Nỗi lo sợ khủng hoảng cũng lan truyền rất nhanh. Bạn phải kiềm chế hoặc trấn an những người nào có thể làm tăng sự náo động.
– Đóng các cửa phía sau bạn (nhưng đừng khoá).
– Tìm bảng thông báo về các lối thoát và các điểm tập trung.
– Hãy làm quen với các hướng dẫn phòng chống cháy tại sở làm hoặc nếu bạn đang là khách viếng thăm một cơ sở kinh doanh thì bạn phải theo mọi chỉ dẫn của nhân viên ở đó.
Khói và sự hoảng loạn
Bất kỳ đám cháy nào trong một không gian chật hẹp đều tạo ra bầu không khí rất nguy hiểm vì lượng oxy giảm, khí cacbonic và các khí độc khác tăng lên. Xin nhấn mạnh với các bạn là: bị vài vết phỏng bạn vẫn còn hoạt động thân thể được nhưng nếu để hít phải một hơi khói độc, nó có thể khiến bạn gục ngã.
Khi nhìn thấy khói, con người thường rơi vào tình trạng hoảng loạn. Đây là trạng thái hình như khó chế ngự được và một khi xuất hiện, nó sẽ lan nhanh. Hoảng loạn sẽ khiến người ta có thể tự giết chết mình.
Thế nhưng chỉ cần nhận thức được vài vấn đề cơ bản: Điều gì đang xảy ra? Cần phải làm gì? Chạy đi đâu? Bằng cách nào? thì hoảng loạn sẽ không còn.
Điều quan trọng cần nhớ là khi nhìn thấy khói không có nghĩa là cả toà nhà đang cháy rụi. Một điều cần biết thêm về khói là nó gây xốn mắt và buộc lòng phải nhắm mắt lại.
Lúc đó, lượng không khí còn thở được đang ở phía dưới sát sàn nhà. Bạn nhớ kỹ: Hãy bò hoặc trườn từ từ ra phía ngoài. Ai không biết điều này sẽ khó mà thoát đi xa được.
Vì vậy , chúng ta phải hiểu:
- Khói là mối nguy hiểm lớn.
- Khói có khuynh hướng bốc lên vì vậy không khí trong sạch hơn ở gần sàn nhà.
- Khom xuống trên bàn tay và đầu gối của mình rồi bò nhanh dưới khói hướng đến lối ra an toàn gần nhất.
LỐI THOÁT HIỂM NẰM Ở ĐÂU?
Nó quanh quẩn đâu đấy thôi. Hành lang nào chạy ra phía ngoài, một vài điểm tựa khả dĩ, các khúc quanh, chướng ngại vật…
- Cần phải tập cho mình một thói quen kiểm tra chung quanh khi đến một nơi mới: việc này chỉ tốn 30 giây và có thể không bao giờ có cơ hội lần thứ hai.
- Một cái gì đó đánh thức bạn trong đêm: có thể là điện thoại, ai đó đang đập cửa, mùi khói hoặc một xáo trộn nào đó. Bất cứ cái gì, bạn hãy xem xét, kiểm tra trước khi ngủ lại.
- Giả sử bạn thức giấc vì ngửi thấy mùi khói trong phòng: hãy chụp lấy xâu chìa khóa, lập tức lăn xuống giường và bò ra phía cửa. Thậm chí ngay cả khi bạn vẫn chịu đựng được khói nếu chạy đi thì cũng đừng làm thế.
- Bạn cần giữ gìn cặp mắt và lá phổi lâu chừng nào tốt chừng đó: bị vài vết phỏng bạn vẫn còn hoạt động thân thể được nhưng nếu để hít phải một hơi khói nó có thể khiến bạn gục ngã.
- Trước khi mở cửa hãy dùng mu bàn tay kiểm tra nó, nếu cánh cửa hoặc tay nắm quá nóng thì đừng mở vì lửa có thể đang cháy bên ngoài. Bạn hãy hé mở từ từ rồi liếc nhanh ra hành lang đánh giá tình hình trong lúc tay bạn vẫn giữ cánh cửa (đề phòng trường hợp bạn cần đóng mạnh lại ngay).
- Khi bạn tìm cách thoát hiểmt, hãy luôn đi men theo bờ tường vì rất dễ bị lạc hay mất phương hướng trong khoảng khói mù mịt; chưa kể nếu đi giữa hành lang, dòng người náo loạn sẽ xô ngã bạn ngay. Khi đã đến lối thoát và sắp bước xuống (cần nhớ là bạn đi xuống chứ không phải bò) thì nhớ lấy tay vịn lan can. Đừng xem nhẹ điều này, dòng thác người sẽ đẩy bạn ngã và rất có thể bạn sẽ không gượng dậy được.
MỘT MÌNH TRONG PHÒNG KHI CÓ HỎA HOẠN
Khói tràn vào phòng, cửa chính thì nóng quá không thể mở được hoặc hành lang đầy nghịt khói…
Đừng mất bình tĩnh, nhiều người có thể tự vệ được ở trong phòng và bạn cũng thế. Điều đầu tiên bạn cần làm là mở cửa sổ để thông khói và kêu cứu. Ai không mở được có thể dùng chiếc ghế phá cửa sổ (tuy nhiên, bạn cần quan sát thật nhanh, nếu nhìn thấy khói bên ngoài cửa sổ thì đừng mở cửa. Vì giả như bên ngoài đang có khói và cửa sổ lại bị vỡ không thể đóng lại được thì khói tràn vào và coi như bạn đã bị dính bẫy do chính mình tạo ra). Phá cửa ít khi nào là một giải pháp hay vì thế bạn hãy học cách mở và đóng cửa sổ nhanh nhất.
- Nếu có nước, hãy cho nước vào một cái thau to hoặc bồn tắm.
- Đừng nhảy vào nước vì đó là cách người ta luộc chín tôm, cua.
- Thấm ướt các tấm chăn trải giường hoặc khăn tắm và nhét vào các khe cửa để ngăn khói luồn vào.
- Dùng một vật gì đó liên tục tạt nước ra sàn phòng để làm dịu sức nóng.
- Sờ tường nếu thấy nóng thì tạt nước lên. Bạn có thể dùng tấm nệm giường chặn ngay cánh cửa và kê thêm tủ quần áo cho chắc chắn. Giữ cho mọi thứ luôn ướt.
- Nhúng khăn tắm rồi gấp nó lại theo hình tam giác rồi bịt mặt theo kiểu khẩu trang, cho góc khăn còn lại vào miệng ngậm.
- Quay vòng chiếc khăn thấm ướt sẽ giúp làm thông bớt khói.
- Nếu bên ngoài cửa sổ có lửa, hãy tháo bỏ màn cửa và di chuyển các vật dễ cháy ra xa. Cũng có thể tạt nước xung quanh cửa sổ.
- Bình tĩnh chờ cứu viện.
ĐỀ PHÒNG HOẢ HOẠN:
Hỏa hoạn là một tai nạn có khi rất thảm khốc, vì vậy chúng ta phải biết cách đề phòng. Vì “Phòng cháy hơn chữa cháy”.
Phòng cháy không có nghĩa là chúng ta dập tắt được một ngọn lửa khi mới phát ra mà phải có những biện pháp cụ thể để phòng ngừa ngọn lửa có thể phát ra.
Những nguy cơ hỏa hoạn:
Chúng ta cần phải biết rõ tính chất nguy hiểm của các vật dễ cháy để có những xử lý thích đáng.
- Không hút thuốc hay bật lửa những chỗ gần xăng, dầu.
- Khi dừng xe đổ xăng, tắt máy xe, không gọi điện thoại di động.
- Khi châm dầu vào đèn, lò đun nấu… các bạn phải chắc chắn rằng lửa đã tắt.
- Khi châm cồn vào lò nấu hay lẩu, các bạn cũng phải chắc chắn rằng lửa đã tắt (vì lửa cồn rất khó thấy vào ban ngày).
- Khi vào chỗ tối mà ngửi thấy mùi ga hay xăng dầu, đừng bật quẹt để soi.
- Trước khi đánh lửa bếp gas để đun nấu nên kiểm tra lại ống dẫn gas và van an toàn, nhất là sau khi qua đêm.
- Nếu dùng than củi để nấu ăn, khi nấu xong phải dụi tắt hoàn toàn cho hết khói. Nhốt than cháy dở vào trong một hũ đất.
- Điện là một nguyên nhân gây cháy cao. Kiểm tra thường xuyên các dây điện, thay thế các dây cũ, tróc vỏ bọc, các thiết bị điện quá cũ kỹ, băng lại các mối nối…
- Nếu có sử dụng máy phát điện thì nên để cách xa nhà và không để xăng dầu gần nơi đặt máy.
- Dọn sạch cỏ rác và các vật dễ cháy xung quanh nhà.
Đề phòng hỏa hoạn ở nhà:
- Trước khi đi vắng nhớ cúp cầu dao điện, tắt đèn dầu, bếp lò, khoá bếp gas, kiểm tra nhang đèn nơi thờ cúng.
- Không chong đèn dầu trong mùng.
- Không hút thuốc trên giường.
- Khi đun nấu bằng củi hay rơm rạ, không được rời xa bếp.
- Không để xăng dầu, cồn, các chất dễ cháy… gần nơi nấu nướng.
Đề phòng hỏa hoạn ở đất trại, nơi hoang dã
Các bạn đừng bao giờ chủ quan cho rằng trong rừng chỉ toàn là cây xanh thì làm sao mà cháy được. Vì cho dù có nhiều cây xanh khó cháy, nhưng vẫn có nhiều loại cây chỉ cần một tia lửa là bắt cháy ngay, nhất là các loại cây có dầu. Hơn nữa, trong rừng có rất nhiều loại chất dẫn lửa nhanh như cỏ khô, lá khô, cành cây khô, trái cây khô…
Hãy ghi nhớ: Một cây thông có thể làm ra triệu que diêm. Một que diêm có thể đốt sạch triệu cây thông.
Vì vậy, khi nhóm lửa để nấu ăn hay đốt lửa trại, các bạn phải tuân thủ những điều sau:
- Nhóm lửa nấu cơm ở chỗ ít gió, xa gốc cây khô, gốc cây có dầu.
- Không đốt lửa dưới các tàn cây vì lá có thể bắt cháy hoặc héo khô do sức nóng của ngọn lửa bốc lên.
- Dọn sạch cành cây, lá khô… xung quanh khu vực làm bếp hay đốt lửa trại để đề phòng cháy lan.
- Không để những vật dễ cháy, những chất dẫn lửa gần đống lửa.
- Cắt người trực trông chừng lửa.
- Chuẩn bị những vật liệu phòng cháy: Nước, cát, cành tươi bó thành chổi…
Dập lửa nơi hoang dã:
– Dập tắt các bếp lửa (hay chỗ đốt lửa trại) nếu các bạn còn lâu mới cần lại hay trước khi rời đất trại bằng cách dội nước vào đống lửa.
– Dùng một cái cây khều đống tro rồi dội nước lại một lần nữa vì có thể than hồng còn cháy âm ỉ ở dưới đống tro.
– Để chắc chắn lửa đã tắt hẳn các bạn phải kiểm tra. Nếu đống lửa đã hoàn toàn nguội lạnh thì mới được dùng xẻng để xúc bỏ xuống hố rồi lấp lại.