Mới đây nhất vào khoảng 8h45 sáng ngày 28/8, tại kho D3, CP kho bãi và giao nhận T&T Cảng Hà Nội, (số 926 đường Bạch Đằng, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã xảy ra vụ hỏa hoạn lớn, thiêu rụi nhiều tài sản.
Địa điểm cháy là kho hàng rộng hàng trăm mét vuông, chứa rất nhiều loại hàng hóa. Kho có tường dày và khá kín nên khói lửa bị “nhốt” trong khi đang dày đặc, khói phun ra từ các lỗ thoáng. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Song (bảo vệ Cty) cho biết: Đám cháy bùng phát ở kho D2 chứa các thiết bị điện tử, sau đó lan sang 2 kho bên cạnh là D1 chứa các bình nhựa để đóng nước tinh khiết và kho D3 chứa bóng đèn, phích nước. Phát hiện cháy, công nhân cố gắng dập lửa nhưng bất thành.
Nhận tin báo cháy, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 đã điều ngay 4 xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ tới hiện trường. Công an phường sở tại cũng có mặt hỗ trợ điều tiết giao thông, giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực trong giờ cao điểm sáng. Đến khoảng 9h30’ ngọn lửa vẫn bùng phát dữ dội, lực lượng chức năng đã phải điều khoảng 20 xe chữa cháy tới hiện trường, chia làm nhiều mũi phun nước dập lửa. Đến 11h40, đám cháy cơ bản đã được dập tắt hoàn toàn.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các kho hàng, nhà xưởng sản xuất, Chỉ huy Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về Phòng cháy (Cảnh sát PC&CC Hà Nội) cho biết: Song song với việc chấp hành nghiêm ngặt quy định an toàn PCCC, các cơ sở sản xuất cần thực hiện những biện pháp sau đây: Niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ.
Người đứng đầu cơ quan, chủ xưởng, người có trách nhiệm cần kiểm tra, chothực hiện ngay các biện pháp, giải pháp kỹ thuật để khống chế và kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt; sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ như xăng dầu, khí cháy chỉ đủ cho từng ca sản xuất và thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Hàng hóa sản xuất ra được chuyển đi ngay, không lưu giữ tại nơi sản xuất.
Hàng hóa trong kho phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn PCCC. Lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptômat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn, tách riêng biệt các nguồn điện: Chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, nguồn điện sản xuất, sinh hoạt; lắp đặt hệ thống chống sét, chống rò điện phù hợp với từng loại công trình; có giải pháp chống tĩnh điện đối với những dây chuyền sản xuất, thiết bị phát sinh tĩnh điện; không lập bàn thờ để thờ cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc; không sử dụng vật liệu là chất cháy để làm mái, trần nhà, vách ngăn; xây tường ngăn cháy giữa các bộ phận sản xuất có diện tích lớn theo quy định. Cửa đi qua tường ngăn cháy có giới hạn chịu lửa theo quy định; có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả công trình, cho từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn; lắp đặt hệ thống thông gió, chống tụ khói, chống tác động của nhiệt trên lối thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời; không để hàng hóa cản trở lối thoát nạn.
Các cơ quan cần thành lập đội PCCC cơ sở; mỗi bộ phận, phân xưởng có tổ hoặc có người tham gia đội PCCC cơ sở; mỗi ca làm việc bố trí lực lượng thường trực chữa cháy. Khi xảy ra cháy, mọi người có mặt cần tìm cách báo cháy nhanh nhất (báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc Công an nơi gần nhất); tìm mọi cách để dập cháy và tổ chức cứu nạn…Thành Long