An toàn PCCC: Cần đồng bộ các giải pháp
An toàn PCCC: Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành chức năng, công tác PCCC ở Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nguy cơ cháy nổ được kiểm soát và xử lý tốt, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản do cháy nổ gây ra. Tuy nhiên, hiện nay, công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, khó lường.
An toàn PCCC còn nhiều khó khăn
Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 46 vụ cháy tại cơ quan, doanh nghiệp, nhà dân, phương tiện giao thông; không có cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, không có người chết và bị thương do cháy (giảm 2 vụ so với năm 2016), thiệt hại về tài sản ước khoảng 8,7 tỷ đồng (giảm 42,3 tỷ đồng so với năm 2016). Trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 15 vụ cháy rừng nhỏ lẻ, thiệt hại khoảng 28,9ha rừng… Mặc dù số vụ cháy giảm, tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít bất cập.
Huấn luyện sử dụng thiết bị chữa cháy rừng cho lực lượng dân phòng tại huyện Hoành Bồ. |
An toàn PCCC: Bất cập được lực lượng chức năng PCCC xác định đó là, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều nhà cao tầng, thậm chí có nhà cao tới trên 100m, song lực lượng chức năng chỉ có 2 chiếc xe thang chữa cháy mà cũng chỉ vươn tới được 20-32m (với điều kiện nơi đó phải có mặt bằng thì xe thang mới có thể hoạt động được). Bên cạnh đó, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác PCCC rừng cũng gặp nhiều khó khăn do trang thiết bị phục vụ công tác PCCC&CNCH chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tại các khu dân cư trên địa bàn (kể cả ở thành phố, thị xã, vùng nông thôn), hầu hết hệ thống giao thông đều chật hẹp; hệ thống cấp nước chữa cháy không có hoặc có nhưng không hoạt động… Điều này khiến lực lượng chữa cháy và phương tiện xe chữa cháy hoạt động rất khó khăn khi có sự cố xảy ra. Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 5 (Cảnh sát PCCC tỉnh), cho biết: “Hiện, đơn vị có 1 tàu, 3 xuồng và 42 cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Trong số này chỉ có 50% CBCS được đào tạo nghiệp vụ về công tác PCCC&CNCH; số còn lại chủ yếu chưa qua đào tạo và là chiến sĩ nghĩa vụ. Với phương tiện và lực lượng khiêm tốn như thế, đơn vị chỉ chủ yếu hoạt động tại Vịnh Hạ Long…”. Còn thượng tá Ngô Văn Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 1, chia sẻ: Phạm vi, địa bàn quản lý của đơn vị dài, rộng, gồm 4 địa phương (Móng Cái, Cô Tô, Hải Hà, Đầm Hà), trong khi phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy và phương tiện chữa cháy rất khiêm tốn. Vì thế, ngoài địa bàn TP Móng Cái (nơi đơn vị đứng chân), nếu không may xảy ra sự cố cháy, nổ, việc di chuyển đến địa điểm có sự cố để xử lý gặp rất nhiều trở ngại và hậu quả cũng khó lường. Trong khi hiện nay, phong trào quần chúng tham gia công tác PCCC ở các địa phương, đơn vị chưa triển khai sâu rộng. Bên cạnh đó, tâm lý người dân đa phần còn chủ quan với “giặc lửa”. Vì vậy, nếu xảy ra cháy lớn thì khó trông chờ ở lực lượng tại chỗ.
An toàn PCCC: Cần quyết liệt các biện pháp
An toàn PCCC: Đại tá Phí Văn Minh, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Những hạn chế và bất cập trong công tác đảm bảo an toàn PCCC nói trên phải sớm có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, để giải được “bài toán” này cần sự nỗ lực không chỉ của riêng các đơn vị, cơ sở, địa phương mà phải cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trước hết, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC phải được đẩy mạnh bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng; cấp uỷ, chính quyền các đơn vị, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm coi trọng đầu tư, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. UBND các địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và Cảnh sát PCCC tỉnh xây dựng chiến lược công tác PCCC giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ một cách khoa học, thực tiễn, khả thi và hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về PCCC cũng phải được đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa.
Bên cạnh đó, để công tác an toàn PCCC thực sự hiệu quả thì các địa phương, đơn vị phải tăng cường trách nhiệm, phải luôn gắn việc thực hiện Luật PCCC với thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm của đơn vị, địa phương. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, PCCC các cấp; tiếp tục hướng dẫn triển khai tiêu chí đạt chuẩn về PCCC, nhân rộng các mô hình điểm về phong trào toàn dân PCCC. Ngoài các giải pháp trên, cấp có thẩm quyền cần sớm cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn đồng bộ để thực hiện Luật PCCC và các nghị định về PCCC&CNCH tại đơn vị, địa phương mình phù hợp; quan tâm đầu tư biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị công tác, chiến đấu cho lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cần tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức, đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC cho lực lượng chữa cháy cơ sở, dân phòng. Đồng thời, duy trì hiệu quả hoạt động 5 loại mô hình điểm về PCCC theo tiêu chí cơ sở đạt chuẩn về PCCC của UBND tỉnh.
Lực lượng tại chỗ Chi nhánh Công ty TNHH Giày da Sao Vàng Uông Bí tham gia diễn tập chữa cháy tại đơn vị. |
An toàn PCCC: Cùng với đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức PCCC, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời, cần trang bị kiến thức về PCCC, giải pháp thoát nạn, tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC&CNCH. Cha ông ta đã có câu “Nhất thủy, nhì hỏa” để nhắc nhở về sức tàn phá khủng khiếp của lũ lụt, hỏa hoạn. Khi xảy ra hỏa hoạn, rất khó có thể cứu vãn được tài sản, tính mạng của con người. Vì thế, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự PCCC của mỗi người dân, hộ gia đình, đơn vị, doanh nghiệp.
Tuấn Hương
Đảm bảo an toàn PPCCC tại khu dân cư
Khi xảy ra hỏa hoạn, rất khó có thể cứu vãn được tài sản, đặc biệt là tính mạng con người. Để phòng tránh những tai nạn thương tâm xảy ra, bên cạnh sự thường trực, sẵn sàng của lực lượng chức năng thì quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác chấp hành tốt công tác PCCC và kỹ năng tự cảnh giác, xử lý, thoát hiểm của mỗi người dân.
Thượng tá Mè Văn Nguyên, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Cảnh sát PCCC tỉnh): “Thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ””
Thực tế cho thấy, số vụ cháy xảy ra tại khu dân cư chiếm từ 30-50% tổng số các vụ cháy xảy ra hằng năm trên địa bàn tỉnh. Các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm; hơn nữa, do nhà dân ở trong các khu phố, ngõ ngách khó tiếp cận, hầu hết đều được bố trí các loại cửa, cổng, tường rào rất kiên cố nên việc thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy nổ gặp nhiều khó khăn; có nhiều trường hợp việc thông tin báo cháy đến lực lượng chức năng không kịp thời… Những yếu tố trên đã gây nhiều khó khăn khi triển khai xử lý các sự cố cháy nổ tại khu dân cư.
Vì vậy, để công tác an toàn PCCC trong khu dân cư ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả, theo tôi, cần phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân với nhiều nội dung, hình thức đa dạng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chung trong giữ gìn đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ. Chính quyền các địa phương cần chủ động hơn nữa để phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC, triển khai mạnh mẽ phong trào “Toàn dân PCCC” đến từng khu dân cư; tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC cũng như tập trung thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” về PCCC để đảm bảo lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần, luôn sẵn sàng trong mọi tình huống bất ngờ xảy ra.
Đồng chí Phạm Tiến Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Hà, TP Hạ Long: “Sẵn sàng hiệp đồng tác chiến khi xảy ra sự cố”
Phường Hồng Hà luôn coi công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có sự đầu tư, tập trung cao. Mục tiêu là để cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn phường nhận thức đầy đủ nội dung Luật PCCC; hiểu quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong giữ gìn an toàn chung. Từ đó, tự giác chấp hành nghiêm các quy định an toàn, tích cực tham gia công tác PCCC.
Hiện nay, 9/9 khu phố của phường đều có đội Dân phòng làm nhiệm vụ tuần tra, tuyên truyền cho người dân về nội dung PCCC. Họ cũng thường xuyên nắm chắc tình hình liên quan đến công tác PCCC, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn phường, như tình trạng hệ thống đường dây điện trong ngõ xóm, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, các kho chứa hàng, điểm trông xe, lối thoát nạn khi xảy ra sự cố hỏa hoạn… Bên cạnh đó, phường còn xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn phường với chính quyền phường; giữa các lực lượng công an, bảo vệ dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, dân quân tự vệ, đội ngũ cán bộ cơ sở. Từ đó, sẵn sàng hiệp đồng tác chiến trong chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, không để cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Ông Vũ Kim Ngọc, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố 5, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả: “Vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định về PCCC”
Những tháng cuối năm, thời tiết hanh khô khiến cho nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ cao hơn. Do đó, tôi và các đồng chí trong Chi bộ, Ban Công tác mặt trận khu phố luôn xác định cần phải phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm nội quy, quy định về PCCC. Cụ thể, nhắc nhở bà con hết sức chú ý trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt để đun nấu hằng ngày; trong thắp hương, đốt vàng mã, thờ cúng; trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ cháy, nổ cao. Đối với những hộ mở cửa hàng kinh doanh thì cán bộ khu phố chúng tôi đến tận nhà để trao đổi, nắm tình hình, vận động nhân dân tự trang bị bình chữa cháy để khi không may có sự cố xảy ra, thì ngay lập tức tự khắc phục được tại chỗ, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn. Mục tiêu là từng bước tạo thành ý thức cộng đồng cùng có trách nhiệm trong công tác phòng ngừa hỏa hoạn, không để cháy, nổ xảy ra và sẵn sàng đoàn kết tham gia chữa cháy khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản.
Ông Hoàng Mạnh Lăng, Công an viên thôn Thác Bưởi 1, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên: “Thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện sự cố”
Cùng với sự phát triển của huyện, xã, đời sống của người dân thôn Thác Bưởi 1 đã và đang có sự chuyển biến rõ rệt. Từ một địa phương thuần nông, hiện toàn thôn chỉ còn hơn 20% đất ruộng, còn lại hầu như các hộ đều chuyển sang kinh doanh dịch vụ. Việc thường xuyên tuần tra kết hợp tuyên truyền tại thôn hiện gồm có tôi và một đồng chí thôn đội trưởng đảm nhận. Tôi thấy bên cạnh đẩy mạnh việc duy trì tình hình an ninh trật tự thì công tác đảm bảo an toàn PCCC cũng cần phải tăng cường hơn nữa để đảm bảo cuộc sống bình yên cho bà con. Vì vậy đều đặn mỗi ngày, tôi đều tiến hành tuần tra dọc các con đường, ngõ xóm để kịp thời nắm tình hình. Ngoài tuần tra đêm, có những buổi chúng tôi còn tranh thủ tuần tra cả ban ngày để chủ động tuyên truyền, xử lý nếu có sự cố xảy ra, đặc biệt là vào mùa hanh khô, dịp lễ, tết khi người dân đốt nhiều vàng mã hoặc dễ sơ sẩy khi dùng củi lửa. Dịp này, thôn còn bổ sung thêm một đoàn viên thanh niên tham gia tuần tra, tăng cường lực lượng tuyên truyền, vận động bà con thực hiện đúng cam kết không đốt pháo, giữ an toàn PCCC trong khu dân cư. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an, lực lượng dân phòng cùng các đoàn thể, nhân dân trên địa bàn xã.
Bà Ngô Thị Hòa, khu phố 3, phường Quang Trung, TP Uông Bí: “Cẩn thận trong quá trình sử dụng nguồn điện, nguồn lửa”
Gia đình tôi mở quán kinh doanh ăn uống đã nhiều năm. Trước đây, tôi đã được cán bộ khu phố và phường đến tuyên truyền về công tác PCCC nên luôn chú ý cẩn thận trong quá trình sử dụng nguồn điện, nguồn lửa. Đặc biệt, được tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn về công tác PCCC nên tôi càng hiểu rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của PCCC tại cơ sở. Tôi không chỉ được trang bị về kiến thức, kỹ năng phòng và xử lý tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tại gia đình, khu dân cư mà còn sẵn sàng tuyên truyền cho mọi người cùng làm theo.
Cụ thể trong quán nhà tôi, những bếp gas, bếp điện để chế biến đồ ăn hay vị trí ổ cắm, dây dẫn diện đều được bố trí nơi thông thoáng, cách xa các vật dụng dễ bắt lửa. Trong quán còn trang bị bình chữa cháy được đặt ở ngay chỗ dễ thấy, dễ lấy khi cần thiết. Tôi cũng thường xuyên dặn dò con, cháu phải luôn cẩn thận trong sử dụng lửa, điện. Chẳng hạn như khi đun, nấu xong nên khóa van bình gas cho hết lửa rồi mới tắt bếp. Hoặc khi không may có sự cố thì phải biết chỗ ngắt nguồn điện, ngăn chặn nguồn nhiệt, thực hiện chữa cháy ban đầu nếu có điều kiện, chạy thoát thân và gọi báo cháy cho lực lượng chức năng.
Hoàng Giang (Thực hiện)