Tự hào là lính cứu hỏa, Phòng cháy chữa cháy

(LĐTĐ) Nghề nào cũng có khó khăn, vất vả bởi đặc thù riêng của từng công việc. Vào những ngày Tết, nhiều người vẫn thầm lặng thực hiện nhiệm vụ của mình. Với lính cứu hỏa, nhiệm vụ còn nặng nề hơn, đối đầu với “giặc lửa” bao giờ cũng gian nan, vất vả. Không có đêm giao thừa, thay nhau ứng trực Tết, những cán bộ, chiến sỹ phòng cháy chữa cháy (PCCC) góp phần không nhỏ giúp người dân đón Tết trong yên bình.

Những cái Tết… không nghỉ của người lính phòng cháy chữa cháy

Lại thêm một năm, Hạ sỹ Nguyễn Xuân Tín (SN 1997, quê ở Thường Tín Hà Nội), chiến sỹ Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 – Cảnh sát PC&CC Hà Nội, chuẩn bị đón giao thừa mà không có người thân trong gia đình bên cạnh. Quanh năm ngày tháng, lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng giáp mặt với “giặc lửa” nên càng gần những ngày Tết, những người lính phòng cháy chữa cháy chỉ mong được “thất nghiệp”.

tin nhap 20180206165258
Diễn tập PCCC

Tuy nhiên, Tết những người lính phòng cháy chữa cháy tiếp tục ứng trực ở đơn vị để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Hạ sỹ Nguyễn Xuân Tín chia sẻ: “Trong 3 ngày Tết, có khoảng 30 cán bộ, chiến sỹ tập trung ở đơn vị làm việc như những ngày thường. Thậm chí, bọn em xác định, những ngày này nếu có nhiệm vụ đột xuất, anh em còn phải cố gắng, hết mình hơn nữa trong công việc”. Tín kể lại một kỷ niệm cùng đồng đội chữa cháy bất ngờ, khoảng 16h chiều mùng 1 tết Nguyên đán Đinh Dậu, khi mà anh em đang tất bật, hồ hởi cùng nhau chuẩn bị cho bữa tối thì tin báo cháy khẩn cấp.

Ngay lập tức 14 cán bộ, chiến sỹ vứt bỏ hết bát đũa, đồ ăn và nhanh chóng mặc đồng phục cảnh sát phòng cháy chữa cháy, xuất xe và lao nhanh đến điểm đang xảy ra hỏa hoạn. Khu vực cháy tại một nhà dân ở tầng 2 khu tập thể trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa). Khi đến nơi, anh em tập trung phá cửa và nỗ lực dùng vòi phun để dập tắt kịp thời. Rất may, do chủ hộ vắng nhà nên thiệt hại về người không xảy ra, tài sản cũng không bị cháy nhiều do lực lượng chữa cháy có mặt kịp thời. Không gặp nhiều khó khăn trong khi làm nhiệm vụ nhưng niềm vui của những chiến sỹ trẻ thì lại khó tả. Hoàn thành nhiệm vụ vào ngày đầu năm, giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho người dân, được người dân khen ngợi, yêu mến như một món quà mừng tuổi hết sức có ý nghĩa.

tin nhap 20180206165258
Các cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 dành chút thời gian chuẩn bị quà Tết cho gia đình.

Vụ hỏa hoạn xảy ra ngay vào những thời khắc đầu năm mới hết sức bất ngờ ngay khi những người lính phòng cháy chữa cháy chuẩn bị cho bữa tiệc đầu năm nhưng không một ai nao núng tinh thần. Hạ sỹ Nguyễn Tiến Đạt (SN 1997, quê ở Ứng Hòa, Hà Nội) tâm sự: Khi lần đầu trực Tết và tham gia chữa cháy, cảm giác ban đầu với em chỉ là một chút bỡ ngỡ bởi chưa làm quen với công việc trong ngày Tết. Nhưng với mong muốn cháy bỏng là sớm dập tắt đám cháy để người dân được ăn Tết bình an đã khiến cho bọn em kịp thời trấn tĩnh và dũng cảm, nỗ lực thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Nỗi niềm khi Tết về

Năm nay là thăm thứ 8, Trung úy Nguyễn Quang Quyền, Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp – Phòng Cảnh sát PC&CC số 2, đón giao thừa cùng đồng đội. Ba năm gần đây, nỗi nhớ nhà trong những khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng càng “thấm” khi anh lập gia đình và có một bé gái kháu khỉnh. Trung úy Quyền tâm sự: Ngày Tết, đặc biệt là vào đêm giao thừa, ai cũng muốn ở bên cạnh gia đình, người thân để sum vầy, chờ khoảnh khắc thiêng liêng đón chào năm mới.

tin nhap 20180206165258
Những người lính cứu hỏa chăm chỉ làm việc, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong những ngày Tết.

Nhưng với những người lính phòng cháy chữa cháy như bọn em, khi chọn nghề này đã xác định sẽ phải hy sinh tình cảm, hy sinh hạnh phúc cá nhân để thực hiện nhiệm vụ vinh dự, cao cả để đóng góp một phần nhỏ bé đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong những ngày Tết. Những mất mát, hy sinh đó đều được gia đình, vợ con, bạn bè… chia sẻ, động viên, và đó cũng là động lực để những người lính phòng cháy chữa cháy toàn tâm, toàn sức trong công việc”.

Trung úy Quyền cũng chia sẻ về kỷ niệm, anh quen bạn gái và cũng là người vợ bây giờ, vào đúng đêm 30 Tết. Khi đó, vợ anh cùng một người bạn đi xem bắn pháo hoa ở hồ Hoàng Cầu. Gặp cô gái xinh xắn, Quyền đã xao lòng và có tình cảm ngay từ giây phút ban đầu. Qua vài câu chuyện ngắn ngủi làm quen, Quyền xin số điện thoại của cô gái, gọi điện chúc mừng năm mới ngay sau giao thừa. Từ đó, hai người thường xuyên gọi điện, nhắn tin qua lại rồi cuối cùng nên nghĩa vợ chồng.

Đến giờ khi nhắc lại chuyện tình cảm của mình, Trung úy Quyền vẫn còn cảm thấy bồi hồi. Cái nghề nguy hiểm anh đã chọn, không những thỏa mãn ước mơ từ thủa nhỏ được làm lính phòng cháy chữa cháy mà còn mang đến cho anh niềm hạnh phúc, một tình yêu đích thực. Mỗi lần nhìn đứa con gái bé bỏng chơi đùa, Trung úy Quyền lại cảm thấy như có thêm động lực trong công việc và luôn tâm niệm: Khi đã khoác trên mình sắc phục người lính 114, sẽ “hết mình vì dân phục vụ”.

Với Hạ sỹ Nguyễn Xuân Tín và Nguyễn Tiến Đạt cũng như nhiều cán bộ, chiến sỹ trẻ, những ngày Tết với họ, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, bạn bè… cũng phần nào vơi đi khi họ biết rằng, việc đánh đổi những giờ phút đón tết sum vầy bên gia đình, thậm chí phải hy sinh tuổi trẻ, hy sinh hạnh phúc của cá nhân mình hay những lúc phải đối mặt với đau thương, mất mát sẽ được đền đáp bằng tình cảm, sự yêu mến của nhân dân dành cho họ…

Rất nhiều câu chuyện cảm động xung quanh sự hy sinh, những nỗi niềm của những cán bộ, chiến sỹ phòng cháy chữa cháy mà chúng tôi không thể kể hết ở đây. Xuân đã đến rất gần, những người lính phòng cháy chữa cháy quả cảm đang ở bên nhau sau giờ luyện tập. Những hộp bánh, kẹo, gói trà, hộp mứt, những bao lì xì… đong đầy tình yêu thương đang được các anh gói gém làm quà tết cho cho gia đình, những người thân. Để sau đó, các anh lại mướt mải mồ hôi luyện tập, sẵn sàng đối đầu với “giặc lửa”.

Hoàng Duy

Theo Lao động

LUẬT PCCC 2013 SỬA ĐỔI BỔ SUNG LUẬT PCCC 2001

Luật PCCC 2013 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy 2001/QH10

1. Điều 1 Khoản 3 và khoản 6 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 như sau:

“3. Cơ sở là nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập khác theo danh mục do Chính phủ quy định.”

“6. Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở là tổ chức gồm những người được giao nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở, hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3; bổ sung khoản 3a và khoản 3b vào sau khoản 3 Điều 5 như sau:

“3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật;

b) Ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy;

c) Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy;

d) Bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, sử dụng kinh phí phòng cháy và chữa cháy đúng mục đích; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra;

đ) Thực hiện nhiệm vụ khác về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

3a. Chủ hộ gia đình có trách nhiệm:

a) Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

b) Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ;

c) Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.

3b. Cá nhân có trách nhiệm:

a) Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;

b) Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng;

c) Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy;

d) Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy;

đ) Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong Luật này.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2; bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 6 như sau:

“2. Cơ quan, tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm tổ chức, thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng về phòng cháy và chữa cháy.

2a. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quy định việc lồng ghép kiến thức và kỹ năng về phòng cháy và chữa cháy vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học.”

Luật PCCC 2013 sửa đổi bổ sung luật PCCC 2001
Luật PCCC 2013 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10.

4. Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 8. Ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy

1. Hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật sau khi thống nhất với Bộ Công an đối với các quy định về phòng cháy và chữa cháy.

3. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xây dựng và công bố các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở về phòng cháy và chữa cháy sau khi thống nhất với Bộ Công an.

4. Áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam về phòng cháy và chữa cháy:

a) Tiêu chuẩn quốc gia về phòng cháy và chữa cháy được áp dụng bắt buộc;

b) Tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy và chữa cháy;

c) Bảo đảm tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng.

5. Tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy và chữa cháy được áp dụng tại Việt Nam trong các trường hợp sau đây:

a) Tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế có quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

b) Tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế có quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam hoặc phù hợp với yêu cầu thực tế của Việt Nam và được Bộ Công an chấp thuận bằng văn bản.

6. Đối với yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy mà chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về phòng cháy và chữa cháy.”

 5. Luật PCCC 2013. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 9. Bảo hiểm cháy, nổ

Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm cháy, nổ. Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở đó.

Chính phủ quy định và công bố danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; điều kiện, mức phí bảo hiểm cháy, nổ; số tiền bảo hiểm tối thiểu.”

6. Bổ sung Điều 9a vào sau Điều 9 như sau:

“Điều 9a. Kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy

1. Kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm:

a) Tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát; tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật; thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy; tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy;

b) Huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;

c) Kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy.

2. Kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Người đứng đầu doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với hoạt động kinh doanh;

b) Có cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động kinh doanh.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

7. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 10. Chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy

Người tham gia chữa cháy được hưởng chế độ bồi dưỡng về vật chất; trường hợp bị chết, bị thương, bị tổn hại sức khỏe, bị tổn thất về tài sản thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.”

8. Sửa đổi, bổ sung các khoản 3, 5, 6, 7 và 8; bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 và bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 13 như sau:

“3. Lợi dụng phòng cháy và chữa cháy để xâm hại tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.”

“4a. Không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy.

5. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ.

5a. Mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người.

6. Thi công công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà chưa có thiết kế được duyệt về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

7. Chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, biển báo, biển chỉ dẫn; cản trở lối thoát nạn.

8. Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.”

9. Khoản 2 Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố (sau đây gọi chung là thôn) phải có các quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; căn cứ vào điều kiện cụ thể có giải pháp ngăn cháy; có phương án, lực lượng, phương tiện, đường giao thông, nguồn nước phục vụ phòng cháy và chữa cháy.”

10. Khoản 2 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được đóng mới, hoán cải chỉ được cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi đã được duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Chính phủ quy định loại phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.”

11. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1; sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 4 Điều 19 như sau:

“1a. Ủy ban nhân dân các cấp, chủ rừng phải thực hiện các biện pháp phòng cháy phù hợp với cấp độ cảnh báo nguy cơ cháy rừng.

2. Khi lập quy hoạch, dự án phát triển rừng phải có giải pháp phòng cháy và chữa cháy cho từng loại rừng.”

“4. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khi hoạt động trong rừng hoặc ven rừng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.”

12. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 21. Phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao

1. Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có phương án phòng cháy và chữa cháy cho toàn khu; xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy phù hợp với phương án phòng cháy và chữa cháy.

2. Cơ sở hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có phương án phòng cháy và chữa cháy cho cơ sở mình; phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

13. Sửa đổi, bổ sung tên Điều 22 và nội dung các khoản 2, 3 và 4 Điều 22 như sau:

“Điều 22. Phòng cháy trong khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ và vật tư, hàng hóa khác có nguy hiểm về cháy, nổ”

“2. Kho chứa, hệ thống vận chuyển sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ và công trình chế biến dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ phải có hệ thống báo và xử lý nồng độ hơi, khí nguy hiểm dễ cháy, nổ; phải có biện pháp bảo vệ, chống sự cố bục, vỡ bể chứa, thiết bị, đường ống.

3. Cơ sở kinh doanh sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình liền kề. Việc xuất, nhập, vận chuyển sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ phải tuân thủ quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cung ứng, vận chuyển vật tư, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phải in các thông số kỹ thuật trên nhãn hàng hóa và phải có bản hướng dẫn an toàn về phòng cháy và chữa cháy bằng tiếng Việt.”

14. Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 23. Phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, hầm lò khai thác khoáng sản, nhà khung thép mái tôn

1. Công trình cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra; bảo đảm các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra; trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy; sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy; không sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy.

2. Công trình trên mặt nước có nguy hiểm về cháy, nổ phải có giải pháp chống cháy lan, phương án, lực lượng, phương tiện bảo đảm tự chữa cháy.

3. Công trình ngầm, đường hầm, hầm lò khai thác khoáng sản phải trang bị phương tiện để phát hiện và xử lý khí cháy, khí độc; phải có hệ thống thông gió, giải pháp chống cháy lan và các điều kiện bảo đảm thoát nạn an toàn, triển khai lực lượng, phương tiện để cứu người, tài sản và chữa cháy.

4. Nhà khung thép mái tôn có diện tích lớn dùng để làm nơi sản xuất, kho chứa hàng dễ cháy, nổ phải có giải pháp chống cháy lan và hạn chế nguy cơ sụp đổ khi xảy ra cháy.”

15. Khoản 1 Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Tại nhà máy điện, lưới điện phải có biện pháp để chủ động xử lý sự cố gây cháy.”

16. Bổ sung Điều 24a vào sau Điều 24 như sau:

“Điều 24a. Phòng cháy đối với cơ sở hạt nhân

1. Công tác phòng cháy đối với cơ sở hạt nhân phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Có hệ thống phòng cháy và chữa cháy đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở hạt nhân;

b) Người làm việc tại cơ sở hạt nhân phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với tính chất công việc;

c) Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành được trang bị phù hợp với đặc thù từng cơ sở;

d) Các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy khác.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở hạt nhân.”

17. Khoản 1 Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Tại các chợ, trung tâm thương mại phải tách riêng hệ thống điện phục vụ kinh doanh với hệ thống điện bảo vệ và chữa cháy; sắp xếp các hộ kinh doanh, ngành hàng đáp ứng yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy; có lối thoát nạn bảo đảm theo quy định và phương án thoát nạn, giải tỏa hàng hóa khi có cháy xảy ra; phải trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy, giải pháp chống cháy lan phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động. Chủ hộ kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ phải trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ.”

18. Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 26. Phòng cháy đối với cảng hàng không, cảng biển, cảng thủy nội địa, nhà ga, bến xe

Tại cảng hàng không, cảng biển, cảng thủy nội địa, nhà ga, bến xe phải trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy và chữa cháy; có phương án thoát nạn, giải tỏa phương tiện, vật tư hàng hóa khi có cháy xảy ra.”

19. Bổ sung Điều 27a vào sau Điều 27 như sau:

“Điều 27a. Phòng, chống cháy, nổ đối với cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy, nổ; có vành đai an toàn, bảo đảm khoảng cách an toàn đối với các khu dân cư và công trình lân cận.”

20. Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 31. Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình, chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ đối với thôn, cơ sở, rừng, phương tiện giao thông.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy xây dựng, thực tập phương án chữa cháy cho cơ sở, khu dân cư do mình quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an.

3. Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy đối với cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao cần huy động lực lượng, phương tiện của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương.

4. Phương án chữa cháy phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các lực lượng, phương tiện có trong phương án khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ.

5. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao và thẩm quyền phê duyệt, thời hạn thực tập phương án chữa cháy.”

21. Điều 32 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 32. Thông tin báo cháy và chữa cháy

Thông tin báo cháy bằng hiệu lệnh hoặc bằng điện thoại.

Số điện thoại báo cháy được quy định thống nhất trong cả nước là 114. Phương tiện thông tin liên lạc phải được ưu tiên để phục vụ báo cháy, chữa cháy.”

22. Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 33 như sau:

“4a. Ủy ban nhân dân các địa phương giáp ranh phải xây dựng phương án phối hợp và tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy khi có yêu cầu.”

23. Khoản 1 Điều 37 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Khi xảy ra cháy, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.”

24. Khoản 3 Điều 43 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;”

25. Điều 44 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 44. Thành lập, quản lý đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành

1. Tại thôn phải thành lập đội dân phòng. Đội dân phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập, quản lý.

2. Tại cơ sở phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở. Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập, quản lý.

3. Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành là đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được tổ chức để đáp ứng yêu cầu hoạt động đặc thù của cơ sở do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập, quản lý.

Tại các cơ sở sau đây phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành:

a) Cơ sở hạt nhân;

b) Cảng hàng không, cảng biển;

c) Cơ sở khai thác và chế biến dầu mỏ, khí đốt;

d) Cơ sở khai thác than;

đ) Cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ;

e) Các cơ sở khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

4. Quyết định thành lập đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành phải được cơ quan ban hành gửi tới cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quản lý địa bàn đó.”

26. Điều 46 được sửa đổi, bổ sung luật phòng cháy chữa cháy 2001 như sau:

“Điều 46. Huấn luyện, bồi dưỡng, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, điều động và chế độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành

1. Lực lượng dân phòng, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; chịu sự điều động của cấp có thẩm quyền để tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

2. Lực lượng dân phòng, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và khi trực tiếp chữa cháy.

3. Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở không chuyên trách được hưởng chế độ hỗ trợ thường xuyên.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.”

27. Bổ sung Điều 46a vào sau Điều 46 như sau:

“Điều 46a. Phòng cháy và chữa cháy tình nguyện

1. Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm tạo điều kiện, khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia phòng cháy và chữa cháy.

2. Người tình nguyện tham gia phòng cháy và chữa cháy được bổ sung vào đội dân phòng hoặc đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.”

28. Khoản 1 Điều 47 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thuộc Công an nhân dân, là một bộ phận của lực lượng vũ trang, được tổ chức và quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương.”

29. Điều 48 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 48. Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tham mưu, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hướng dẫn xây dựng phong trào toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.

3. Thực hiện các biện pháp phòng cháy; thẩm định, phê duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; chữa cháy kịp thời, hiệu quả.

Sửa đổi điều 48 Luật PCCC 2001

4. Xây dựng lực lượng phòng cháy và chữa cháy; trang bị và quản lý phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy.

5. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra, kiểm định kỹ thuật và chứng nhận phù hợp đối với phương tiện, thiết bị, hàng có yêu cầu nghiêm ngặt về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

6. Kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định.

7. Thực hiện một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về tổ chức điều tra hình sự.

8. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Luật PCCC 2013

30. Khoản 2 Điều 55 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Nhà nước cấp ngân sách hoạt động phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách nhà nước.

Trong nhiệm vụ chi ngân sách quốc phòng và an ninh hàng năm của Ủy ban nhân dân các cấp phải có nội dung bảo đảm cho công tác phòng cháy và chữa cháy.”

31. Khoản 2 Điều 56 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện phòng cháy và chữa cháy.”

32. Khoản 3 và khoản 7 Điều 57 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy.”

“7. Thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế và nghiệm thu công trình xây dựng về phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra, kiểm định kỹ thuật và chứng nhận phù hợp đối với phương tiện, thiết bị, chất, hàng có yêu cầu nghiêm ngặt về phòng cháy và chữa cháy.”

33. Bổ sung Điều 63a vào sau Điều 63 như sau:

“Điều 63a. Xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực

Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Đối với kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người phải có phương án di chuyển, bảo đảm khoảng cách an toàn.”

Điều 2.

1. Bãi bỏ khoản 9 Điều 3.

2. Bỏ cụm từ “ấp, bản, tổ dân phố” tại khoản 1 Điều 31, điểm b khoản 2 Điều 37 và tên Điều 50; bỏ cụm từ “trưởng ấp, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố” tại điểm b khoản 2 Điều 37; bỏ cụm từ “trưởng ấp, trưởng bản” tại điểm d khoản 2 Điều 37 của Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10.

Điều 3.

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014.

2. Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XlII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2013./

THIẾT KẾ THI CÔNG THẨM DUYỆT NGHIỆM THU PCCC

LIÊN HỆ PCCC BMC

Văn phòng

Tầng 11, Tòa nhà VEAM
Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội


Kết nối với chúng tôi