THUYẾT MINH THIẾT KẾ THẨM DUYỆT PCCC 2023- THEO QCVN 06:2022

By PCCC BMC, 15/08/23

Khi nhắc đến một dự án xây dựng, ngoài những yếu tố thiết kế kiến trúc, kỹ thuật điện nước, việc đảm bảo an toàn cháy nổ luôn là ưu tiên hàng đầu. Và không thể không nhắc đến tài liệu “thuyết minh thiết kế PCCC” – một phần không thể thiếu trong quá trình xin thẩm duyệt thiết kế về PCCC ( Phòng cháy Chữa cháy)

Thuyết minh thiết kế hệ thống PCCC 2023 mới nhất
Thuyết minh thiết kế hệ thống PCCC 2023 mới nhất

I- KHÁI NIỆM CƠ BẢN

1. Thuyết Minh Thiết Kế PCCC Là Gì?

“Thuyết minh thiết kế PCCC” là tài liệu mô tả chi tiết về hệ thống phòng chống cháy và chữa cháy (PCCC) của một dự án công trình, phương tiện. Tài liệu này mô tả chi tiết nguyên tắc thiết kế thi công hệ thống PCCC và các hạng mục liên quan đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tiêu chuẩn, quy định của pháp luật.

2. Tầm Quan Trọng Của Thuyết Minh Thiết Kế PCCC

  • Pháp lý: Thuyết minh thiết kế PCCC là tài liệu bắt buộc khi xin thẩm duyệt thiết kế về PCCC và các hạng mục khác liên quan.
  • An toàn: Nó đảm bảo rằng tất cả các yếu tố liên quan đến PCCC được xem xét và thiết kế đúng quy cách kỹ thuật và Tiêu chuẩn, Quy chuẩn PCCC hiện hành.
  • Tài chính: Một thiết kế PCCC hiệu quả giúp tính đúng, tính đủ vật tư trang thiết bị PCCC cần thiết áp dụng cho công trình. Qua đó giúp giảm chi phí đầu tư hệ thống PCCC, Tiết kiệm cho chủ đầu tư

II. Nội dung Thuyết Minh Thiết kế thẩm duyệt PCCC 2023 mới nhất

1.Căn cứ, cơ sở pháp lý thiết kế

  • QCVN 06:2022/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
  • TCVN 3890:2023: Phương tiện PCCC cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng.
  • TCVN 7336:2021: Hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler – Yêu cầu thiết kế.
  • TCVN 5738:2021: Hệ thống báo cháy – Yêu cầu kỹ thuật.
  • TCVN 13456:2022 Phòng cháy chữa cháy – Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn – Yêu cầu thiết kế, lắp đặt;
  • TCVN 4513:1988: Cấp nước bên trong – Yêu cầu thiết kế.
  • TCVN 5687:2010: Thông gió, điều hòa không khí – Tiêu chuẩn thiết kế.
  • TCVN 5740:2009 Phương tiện phòng cháy chữa cháy – Vòi đẩy chữa cháy – Vòi đẩy bằng sợi tổng hợp tráng cao su.
  • TCVN 6379:1998 Thiết bị chữa cháy – Trụ nước chữa cháy – Yêu cầu kỹ thuật.
  • TCVN 7435-1:2004 – ISO 11602-1:2000 Phòng cháy, chữa cháy – bình chữa cháy xách tay và xe đẩy chữa cháy – phần 1: lựa chọn và bố trí;

GHI CHÚ:

Trên đây là một số Tiêu chuẩn Quy chuẩn cơ bản áp dụng cho thiết kế thẩm duyệt PCCC đối với công trinh hạng B, C phổ biến.
Trong trường hợp thiết kế không quy định trong Tiêu chuẩn Quy chuẩn Việt Nam thì có thể áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài được cục Cảnh sát PCCC cho phép áp dụng.

2. Quy mô công năng sử dụng:

a) Quy mô & công năng dự án
  • Công năng sử dụng của dự án
  • Mô tả diện tích công trình, dự án
  • Kết cấu cơ bản, Vật liệu xây dựng
  • Địa điểm xây dựng
b) Kết luận:
  • Xác định công trình dự án, phương có thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế. (Phụ lục V – Nghị định 136/2020/NĐ- CP)
  • Xác định các hạng mục PCCC và các hạng mục liên quan cần trang bị theo Quy định, như:
    • Hệ thống báo cháy tự động.
    • Hệ thống chữa cháy bằng nước bao gồm:
      • Hệ thống chữa cháy Sprinkler kết hợp họng chữa cháy vách tường;
      • Hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà;-
    • Bình chữa cháy xách tay, nội quy tiêu lệnh chữa cháy.
    • Hệ thống đèn exit và chiếu sáng sự cố.
    • Hệ thống thông gió sự cố, cấp bù không khí.
    • v.v..

3. Phương án thiết kế hệ thống PCCC ( Thuyết minh thiết kế PCCC 2023 mới nhất)

3.1. Hệ thống báo cháy tự động

Thiết kế trung tâm báo cháy, nút ấn báo cháy bằng tay, chuông kết hợp đèn báo cháy, hệ thống dây dẫn liên kết tín hiệu.Số đầu báo cháy tự động lắp trên một kênh của hệ thống báo cháy phụ thuộc vào đặc tính kỹ thuật của trung tâm báo cháy tự động nhưng diện tích bảo vệ của mỗi kênh không lớn hơn 2 000 m2 đối với khu vực bảo vệ hở và 500 m2 đối với khu vực bảo vệ kín. Các đầu báo cháy tự động phải sử dụng theo yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn và tài liệu kỹ thuật của đầu báo cháy tự động do nhà sản xuất công bố và có tính đến điều kiện môi trường nơi cần bảo vệ.Tổng điện trở mỗi kênh liên lạc báo cháy không được lớn hơn 100Ω nhưng không được lớn hơn giá trị yêu cầu đối với từng loại trung tâm báo cháy.Số lượng đầu báo dựa vào tiêu chuẩn TCVN 5738:2021 và phải đảm bảo không vượt quá thông số trong catalog của hãng sản xuất.Số lượng đầu báo phải đảm bảo kiểm soát hết diện tích cần bảo vệ và phải đảm bảo khoảng cách giữa các đầu báo và khoảng cách giữa đầu báo đến tường đảm bảo theo tiêu chuẩn. Đối với đầu báo khói theo bảng 1 mục 6.13 tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5738:2021. Đối với đầu báo nhiệt theo bảng 2 mục 6.15.1 tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5738:2021.

Cấu trúc của hệ thống báo cháy tự động trong công trình như sau:

a. Tủ trung tâm báo cháy:

Công trình được thiết kế các tủ trung tâm báo cháy loại thường. Mọi thông tin báo cháy đều được truyền về tủ trung tâm báo cháy tại phòng trực PCCC.Tủ trung tâm báo cháy được lắp đặt trên tường với độ cao phù hợp để cho người vận hành dễ dàng thao tác nhưng phải đảm bảo cách sàn hoàn thiện từ 0,8 đến 1,8m.

Tủ trung tâm báo cháy là nơi cung cấp nguồn năng lượng cho toàn bộ hệ thống báo cháy cũng như là nơi sử lý toàn bộ các thông tin của hệ thống báo cháy tự động.

b. Các đầu báo cháy khói

Các đầu báo cháy khói quang được trang bị cho các khu vực công trình.Các đầu báo cháy khói quang được thiết kế với tính năng chủ yếu phát hiện khói phát sinh trong đám cháy.Các đầu báo cháy tự động phải có đèn chỉ thị khi tác động.Diện tích bảo vệ đối với đầu báo cháy khói, khoảng cách tối đa giữa các đầu báo cháy khói với nhau và giữa đầu báo cháy khói với tường nhà phải được thiết kế theo bảng sau (Theo đúng TCVN 5738:2021)

Diện tích bảo vệ đối với đầu báo cháy khói, khoảng cách tối đa giữa các đầu báo cháy
khói với nhau
c. Nút ấn báo cháy:

Công trình được trang bị nút ấn báo cháy, Nút ấn báo cháy được bố trí ở hành lang, trên lối thoát nạn, tại những nơi dễ thấy. Khi có cháy xảy ra mà chưa đủ ngưỡng tác động của đầu báo mà có ai đó quan sát thấy đám cháy có thể chủ động ấn nút ấn báo cháy này để tủ trung tâm báo động cho mọi người cùng biết để có phương án chữa cháy kịp thời.Việc bố trí nút ấn báo cháy đảm bảo khoảng cách giữa các nút ấn báo cháy không quá 45m và khoảng cách từ nút ám báo cháy đến lối ra của mọi gian phòng không quá 30m. Nút ấn báo cháy được lắp đặt trên tường cách sàn hoàn thiện từ 1,4 ± 0,2m.Nút ấn báo cháy là loại nút ấn thường được gắn trên loop của tủ trung tâm.Tại vị trí nút ấn được bố trí thêm còi kết hợp đèn báo thường, thiết bị này có tác dùng nhận tín hiệu từ tủ trung tâm báo cháy để phát ra âm thanh và hình ảnh khi có sự cố báo cháy

d. Dây dẫn tín hiệu:

Dây dẫn tín hiệu phải là loại có tiết diện phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5738:2021. Loại dây phải có tiết diện mặt cắt tối thiểu 0,75mm2.Thiết kế sử dụng dây tín hiệu như sau:Dây tín hiệu cho các thiết bị và dây cấp nguồn điều khiển còi đèn sử dụng dây tín hiệu chống cháy 2×0,75mm2 loại có vỏ bọc PVC/Fr.Toàn bộ dây tín hiệu được luồn trong ống bảo vệ dây pvc có đường kính D20.

e. Nguồn cấp:

Nguồn cấp cho tủ trung tâm báo cháy phải có 2 nguồn độc lập. Một nguồn điện chính 220V AC và một nguồn dự phòng 24V DC. Nguồn 220V AC phải là nguồn ưu tiên. Nguồn này có tính chất độc lập và được ưu tiên tương tự như nguồn cấp cho máy bơm chữa cháy. Một nguồn dự phòng 24V DC lấy từ ác quy dự phòng, ác quy này phải có dung lượng dự phòng đủ cho tủ trung tâm báo cháy hoạt động liên tục trong 24h ở chế độ thường trực và 1h ở chế độ báo động.

f.Tiếp đất bảo vệ:

Trung tâm báo cháy được nối đất bảo vệ đảm bảo theo quy định tiêu chuẩn

3.2. Hệ thống chữa cháy bằng nước Sprinkler tích hợp với hệ thống họng nước vách tường

a. Nguồn cấp

Bể nước PCCC đặt ngầm có khối tích (xxx) m3. ( Hoặc hồ, ao có khối tích đủ cung cấp cho hệ thống chữa cháy theo tính toán)

b. Hệ thống bơm:

Bố trí 01 cụm bơm cấp nước chữa cháy có thông số lưu lượng, cột áp được xác định thông qua tính toán.

(Cách tính xác định bởi QCVN 06:2022/BXD và TCVN 7336:2021)

  • 01 bơm chữa cháy chính động cơ điện Q= xx l/s; H=xx m.c.n
  • 01 bơm chữa cháy dự phòng động cơ diesel Q= xx l/s; H= xx m.c.n
  • 01 bơm bù áp động cơ điện Q= x l/s; H= xx m.c.n
Tính toán thủy lực hệ thóng chữa cháy tự động

Cụm bơm có 2 máy bơm chữa cháy, trong đó có 1 bơm chữa cháy chính động cơ điện, 1 máy bơm dự phòng động cơ diesel có các thống số bằng với máy bơm chính. Ngoài 2 bơm chữa cháy thì mỗi cụm còn có 01 máy bơm điện trục đứng làm nhiệm vụ bù áp lực đường ống. (Máy bơm bù áp lực động cơ điện sẽ làm nhiệm vụ duy trì áp lực trong hệ thống đường ống luôn ở mức độ cho phép, đủ áp lực để đảm bảo phục vụ công tác chữa cháy ở bất cứ vị trí nào trong công trình). Thông số theo phụ lục bảng tính.

Đối với tất cả các máy bơm chữa cháy phải được chạy thử, kiểm tra bảo dưỡng theo định kỳ ít nhất 1 lần/ tháng.

c. Nguồn cấp điện cho hệ thống bơm chữa cháy.

Dự án có máy phát điện dự phòng đảm bảo công suất cho máy bơm chữa cháy hoạt động ngay cả khi mất nguồn điện lưới 380V AC.

Hệ thống điện cấp cho máy bơm chữa cháy đảm bảo 2 nguồn điện độc lập, 1 nguồn điện 380V AC là nguồn ưu tiên được đấu trước cầu giao tổng. 1 nguồn còn lại đấu từ máy phát điện dự phòng. Nguồn điện cấp cho máy bơm đảm bảo nguyên tắc khi mất nguồn chính thì tự động chuyển sang nguồn máy phát dự phòng.

d. Tủ điều khiển trạm bơm chữa cháy:

Tủ điều khiển các máy bơm chữa cháy được cấu trúc để hoạt động điều khiển ở 2 chế độ, chế độ tự động và chế độ bằng tay. Ở chế độ tự động, tủ sẽ điều khiển các máy bơm chữa cháy thông qua tín hiệu từ các công tắc áp suất đặt ở trạm bơm chữa. Chế độ bằng tay sẽ ấn nút ON/ OFF trên tủ điều khiển bơm.

e. Bình áp lực cho trạm bơm chữa cháy:

Bình áp lực được đặt trong trạm bơm chữa cháy nhằm ổn định áp suất trong hệ thống. Bình áp lực sẽ tự động bù lại phần áp lực bị tổn hao trong một giới hạn cho phép mà không cần phải khởi động máy bơm bù áp. Bình áp lực này sẽ giúp nâng tuổi thọ của máy bơm bù áp rất nhiều.

f. Công tắc áp suất 2 ngưỡng:

Công tắc áp suất 2 ngưỡng được lắp đặt vào đường ống đẩy của máy bơm ở trong trạm bơm chữa cháy hoặc tại đầu ra của bình áp lực, mỗi 1 bơm được điều khiển bởi 1 công tắc áp suất. Công tắc này có ngưỡng tác động trên và ngưỡng tác động dưới. Ngưỡng tác động bên dưới sẽ gửi tín hiệu về tủ điều khiển khi áp suất trong đường ống tụt đến giá trị định sẵn, tủ điều khiển sẽ khởi động máy bơm chữa cháy tương ứng. Ngưỡng tác động phía trên sẽ ra lệnh ngừng hoạt động của máy bơm chữa cháy tương ứng khi áp suất trong đường ống tăng quá cao và có thể gây mất an toàn.

g. Các bộ van kiểm soát Sprinkler (Alarm valve):

Bộ van kiểm soát đặt ở đầu tuyến ống đứng của từng khu vực, đây là bộ van chuyên dụng sử dụng cho hệ thống Sprinkler trong hệ thống chữa cháy.

i. Công tắc dòng chảy:

Công tắc dòng chảy được lắp đặt trên đường ống ở đầu vào mỗi tầng, phía sau van chặn tổng của tầng đó. Công tắc dòng chảy được liên kết với hệ thống báo cháy tự động để thông báo cho hệ thống báo cháy biết được ở tầng nào đang có dòng nước chảy trong ống. Từ đó biết được tầng đó đang có hoạt động chữa cháy diễn ra.

j.  Khớp nối mềm chống rung:

Khớp nối mềm chống rung được lắp đặt ngay tại 2 đầu của máy bơm. Trong quá trình hoạt động của bơm, lúc khởi động cũng như lúc dừng thường tạo ra một sự rung động rất lớn. Khớp nối mềm chống rung sẽ giúp bảo vệ đường ống tránh được những tác động xấu từ việc rung động trên gây ra.

k. Van một chiều:

Van một chiều được lắp đặt tại đầu đẩy của các máy bơm chữa cháy, và trên đường ống vào của mỗi tầng. Ngoài ra, 1 van 1 chiều cũng được lắp đặt tại trụ tiếp nước chữa cháy ngoài nhà. Các van lắp ở máy bơm chữa cháy và ở đường tiếp nước từ trụ tiếp nước chữa cháy giúp chống hồi ngược áp suất từ đường ống vào máy bơm.

l. Van chặn kèm công tắc giám sát:

Van chặn kèm công tắc giám sát được lắp đặt đầu đường ống cấp nước chữa cháy của từng khu vực, từng tầng. Van chặn có 2 mục đích, đầu tiên dùng để khóa chặn hệ thống khi cần thiết, còn công tắc giám sát được kết nối với hệ thống báo cháy tự động để giá sát trạng thái bất thường của các van. Ví dụ, van chặn ở những vị trí này bình thường sẽ ở chế độ thường mở, nếu ai đó đóng van lại thì hệ thống báo cháy sẽ biết được ngay và sẽ có biện pháp để mở van ra, trả lại chế độ hoạt động bình thường.

m. Van chặn thông thường:

Van chặn trước đồng hồ đo áp lực, van chặn trước các công tắc áp suất, van chặn trước bình áp lực, van chặn trên đường xả áp ở các tầng…

n. Đồng hồ đo áp lực:

Đồng hồ đo áp lực để giám sát áp suất trong đường ống tại các vị trí trạm bơm chữa cháy và trên các tầng. Hệ thống được trang bị 3 đồng hồ đo áp lực ở mỗi cụm bơm chữa cháy và mỗi tầng được trang bị 1 đồng hồ áp lực.

o. Van an toàn:

Van an toàn được lắp đặt trên đường ống góp của bơm chữa cháy. Van được lắp trên vị trí có áp suất cao để đảm bảo cho hệ thống được an toàn khi có quá tải.

Nguyên lý hoạt động của các loại van an toàn là dựa vào sự cân bằng lực tác dụng trên nắp van giữa áp lực chất lỏng trong hệ thống với ứng dụng lò xo của van, có khi cả đối áp của chất lỏng trong khoang có lò xo. Nếu áp lực chất lỏng nhỏ hơn lực tương ứng của lò xo thì van đóng lại, nếu vượt quá thì van mở ra cho chất lỏng chảy bớt về bể chứa.

p. Trụ tiếp nước chữa cháy:

Trụ tiếp nước từ xe chữa cháy được thiết kế trong công trình với mục đích. Trường hợp máy bơm chữa cháy, vì một lý do nào đó không hoạt động hoặc bể nước chữa cháy bị hết nước thì trụ tiếp nước chữa cháy được đấu nối trực tiếp vào hệ thống đường ống cấp

nước chữa cháy của công trình cho phép xe chữa cháy của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đấu thẳng vào và cấp nước trực tiếp chữa cháy trong đường ống.

q. Đầu phun chữa cháy:

Các đầu Sprinkler hướng lên 680C, K=11,2.

Đầu sprinkler lắp đặt vuông góc với mặt phẳng trần (mái), khoảng cách tối đa giữa đầu phun là 3m, khoảng cách đến tường là tối đa 1.5m. Khoảng cách giữa đầu phun đến tường bằng 1/2 khoảng cách giữa các đầu phun. Khoảng cách giữa các sprinkler và tường dễ cháy không vượt quá 1,2 m. Một số trường hợp do kiến trúc và mỹ quan có thể trùng hợp với vị trí đèn chiếu sáng có thể dịch chuyển sang phí bên cạnh đèn chiếu sáng nhưng không vượt quá tiêu chuẩn. Các dầm trần (mái) làm bằng vật liệu khó cháy và vật liệu cháy có các phần nhô ra có chiều cao trên 0,2m và trần (mái) làm bằng vật liệu khó cháy có các phần nhô ra cao hơn 0,32m thì các sprinkler được bố trí giữa các dầm, vì kèo và các cấu trúc xây dựng khác. Khoảng cách giữa các đầu phun nước chữa cháy và mặt phẳng trần (mái) không được lớn hơn 0,3m và không được nhỏ hơn 0,08m. Một số trường hợp do kiến trúc và mỹ quan có thể trùng hợp với vị trí đèn chiếu sáng có thể dịch chuyển sang phí bên cạnh đèn chiếu sáng nhưng không vượt quá tiêu chuẩn.

(Các đầu phun Sprinkler được lắp đặt ở các khu vực được thể hiện trên bản vẽ)

r. Họng nước chữa cháy vách tường:

Tủ đựng phương tiện chữa cháy từ tầng nổi gồm có: 1 van góc chữa cháy có đường kính van D50, 1 cuộn vòi chữa cháy D50 dài 20m, 1 bộ lăng phun nước chữa cháy D50, 01 bình khí chữa cháy CO2 – 5kg, 02 bình bột chữa cháy ABC – 8kg.

Bán kính họng chữa cháy đảm bảo tại bất kỳ điểm nào trong toà nhà cũng phải có 2 họng phun tới, áp lực các họng đảm bảo chiều cao cột nước đặc ≥6m. Căn cứ vào kiến trúc thực tế của công trình ta bố trí đảm bảo các đám cháy ở bất kỳ khu vực nào trong công trình đều được phun nước dập tắt.

Họng nước chữa cháy được bố trí bên trong nhà cạnh lối ra vào, cầu thang, hành lang, nơi dễ nhìn thấy, dễ sử dụng. Các họng được thiết kế đảm bảo bất kỳ điểm nào của công trình cũng được vòi vươn tới. Các Họng nước chữa cháy vách tường được bố trí trong công trình với mật độ bảo vệ như tính toán ở trên. Đối với tầng hầm, ngoài việc bố trí cạnh các lối cầu thang, lối lên xuống, thì các họng nước còn được bố trí ở 1 số cột trong giữa nhà để đảm bảo mật độ bảo vệ như tính toán.

Tâm họng nước được bố trí ở độ cao 1,25m so với mặt sàn, mỗi vị trí họng có 1 bộ nội quy tiêu lệnh PCCC.

3.3. Bình bọt, tiêu lệnh:

Tất cả các khu vực có nguy hiểm về cháy kể cả những nơi đã được trang bị hệ thống chữa cháy phải trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc bình có bánh xe.

Bình chữa cháy phải đảm bảo tính năng và cấu tạo được duy định tại TCVN 7026 (ISO 7165) và TCVN 7027 (ISO 11601).

Tính toán trang bị, bố trí bình chữa cháy được quy định tại TCVN 3890:2023.

Phải có số lượng bình chữa cháy dự trữ không ít hơn 10% tổng số bình để trang bị thay thế khi cần thiết.

3.4. Hệ thống đèn exit và đèn chiếu sáng sự cố

+ Hệ thống đèn exit và đèn chiếu áng sự cố được trang bị và bố trí theo TCVN 13456:2022 như sau:

+ Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn phải được lựa chọn, trang bị phù hợp để đảm bảo tầm nhìn thoát nạn, chỉ thị rõ ràng đường thoát nạn, cảnh báo những vị trí có nguy cơ gây nguy hiểm trong quá trình thoát nạn và nhận biết các vị trí trang bị các thiết bị phòng cháy và chữa cháy

+ Đèn chiếu sáng sự cố và biển báo an toàn có nguồn điện dự phòng phải đảm bảo thời gian hoạt động ổn định liên tục tối thiểu là 120 min khi có sự cố cháy, nổ

+ Nguồn điện sử dụng cho chiếu sáng khẩn cấp phải được kiểm soát tại tủ phân phối.

+ Yêu cầu trang bị đèn chiếu sáng sự cố:

  1. Cầu thang bộ thoát nạn;
  2. Đường thoát nạn và vị trí chuyển hướng thoát nạn, nút giao của hành lang;
  3. Vị trí trên đường thoát nạn có thay đổi về cao độ;
  4. Cửa, lối ra thoát nạn;
  5. Gara để xe;
  6. Trong gian phòng có người làm việc và khoảng cách từ điểm xa nhất của gian phòng đến lối ra thoát nạn gần nhất lớn hơn 13 m. Trường hợp các gian phòng này có bố trí đường thoát nạn thì có thể chỉ lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố tại đường thoát nạn đó;
  7. Trong phòng đặt trạm biến áp, phòng máy phát điện, phòng kỹ thuật thang máy, gian lánh nạn;
  8. Trong phòng trực điều khiển chống cháy, phòng bơm chữa cháy và tại các vị trí trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác.

+ Độ rọi:

  • Chiếu sáng sự cố đường thoát nạn

Đối với những đường thoát nạn có chiều rộng đến 2 m, thì độ rọi trung bình theo phương nằm ngang trên mặt sàn dọc theo tâm của đường thoát nạn phải lớn hơn hoặc bằng 1 lux và dải ở giữa với chiều rộng lớn hơn hoặc bằng một nửa chiều rộng của đường thoát nạn phải có được chiếu sáng tối thiểu 50 % giá trị đó

Chú thích: Các đường thoát nạn rộng hơn có thể được xem là một số dải rộng 2m hoặc được xử lý như chiếu sáng khoảng trống (chống hoảng loạn).

  • Chiếu sáng sự cố gian phòng

Độ rọi trung bình theo phương nằm ngang không được nhỏ hơn 0,5 lux tại mặt sàn tại mọi điểm lõi của khoảng trống, không bao gồm đường viền 0,5 m theo chu vi khu vực

+ Các tủ trung tâm báo cháy, nút ấn báo cháy và các phương tiện chữa cháy phải luôn được chiếu sáng đầy đủ để có thể dễ dàng xác định vị trí và nếu không nằm trên đường thoát nạn hoặc không nằm trong một phạm vi khoảng trống thì phải được chiếu sáng tối thiểu 5 lux tại mặt sàn.

+ Yêu cầu trang bị biển báo chỉ dẫn lối ra thoát nạn:

Lắp đặt biển báo chỉ dẫn lối ra thoát nạn ở tất cả các lối ra vào của cầu thang bộ thoát nạn, các đường thoát nạn trên tầng nhà và tất cả các lối ra của gian phòng có từ 02 lối ra thoát nạn trở lên;

Có thể không cần bố trí trong các trường hợp sau:

  • Đối với gian phòng có trang bị chiếu sáng sự cố phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

+ Chỉ có 01 lối ra vào hoặc;

+ Có lối ra trực tiếp ra hành lang bên hoặc không gian ngoài nhà.

  • Đối với gian phòng không trang bị chiếu sáng sự cố phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

+ Chỉ có 01 lối ra vào và khoảng cách từ điểm bất kỳ của gian phòng đến lối ra thoát nạn gần nhất không lớn hơn 7 m;

+ Khoảng cách từ điểm bất kỳ của gian phòng đến cửa ra vào không lớn hơn 13 m và diện tích tối thiểu phần tường tiếp giáp hành lang đạt 50 % là kính đồng thời đảm bảo một trong các điều kiện sau:

  • Cửa mở vào hành lang có bố trí chiếu sáng sự cố;
  • Cửa mở hành lang bên hoặc mở trực tiếp ra ngoài nhà.
  • Đối với nhà 1 tầng có diện tích sàn không quá 200 m2 và diện tích lỗ hở trên tường ngoài nhà đạt tối thiểu 80%.

+ Yêu cầu lắp đặt biển báo chỉ hướng thoát nạn:

Lắp đặt biển báo chỉ hướng thoát nạn trên đường thoát nạn, ở trong gian phòng và tất cả các vị trí mà tầm nhìn bị che khuất không thể phát hiện được các lối ra thoát nạn.

Có thể không cần bố trí biển chỉ hướng thoát nạn, trong các trường hợp sau:

  • Sân vườn, khu vực sân thượng không có mái che.
  • Nhà 1 tầng chỉ có mái che (không có tường bao quanh), với diện tích sàn không quá 200 m2 và diện tích lỗ hở chiếm tổi thiểu 80% diện tích tường ngoài của nhà.

+ Yêu cầu sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn:

  • Tại các tầng có diện tích lớn hơn 1000 m2 hoặc có từ hai lối ra thoát nạn trở lên phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn
  • Trong các phòng nghỉ của của khách sạn và các cơ sở lưu trú, cho thuê phòng ở phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn

+ Vị trí lắp đặt biển báo an toàn:

  • Vị trí lắp đặt giữa các biển báo an toàn (không bao gồm biển báo an toàn tầm thấp) phải đảm bảo khoảng cách không lớn hơn 25 m

+ Chiều cao lắp đặt của biển báo an toàn

Biển báo an toàn (không bao gồm biển báo an toàn tầm thấp) phải lắp đặt ở độ cao từ 2 m đến 2,7 m so với mặt sàn, hoặc ngay trên cửa nếu cửa có chiều cao lớn hơn 2,7 m. Các khu vực không được bảo vệ chống khói khiến khói tích tụ có thể che khuất thì biển báo an toàn nên được gắn thấp hơn trần nhà tối thiểu 0,5 m để tránh bị ngập khói và không được lắp đặt biển báo an toàn được chiếu sáng từ bên ngoài.

+ Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn

  • Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn gồm hai phần: phần chỉ dẫn bằng chữ và phần ký hiệu hình học. Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phải được niêm yết ở các vị trí dễ nhận biết, dễ thấy và vị trí có người thường xuyên qua lại.

+ Phần ký hiệu hình học bao gồm mặt bằng của tầng; lối ra và chỉ hướng đường thoát nạn; cầu thang bộ; vị trí của sơ đồ tại tầng; vị trí đặt phương tiện, thiết bị chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (ký hiệu phù hợp với quy định tại TCVN 4879:1989 và TCVN 5053 : 1990).

+ Phần chỉ dẫn bằng chữ gồm nội dung và trình tự xử lý khi có cháy.

  • Kích thước của sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phụ thuộc vào đặc tính, tính chất hoạt động; diện tích của tầng, phòng; phương án thoát nạn nhưng không được nhỏ hơn:

+ 600×400 mm – đối với sơ đồ chỉ dẫn tại tầng;

+ 400×300 mm – đối với sơ đồ chỉ dẫn tại phòng.

  • Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn được gắn sao cho mép dưới của sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn nằm ở độ cao 1,5 m ± 0,2 m so với mặt sàn.

4. NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG

4.1.   Hệ thống báo cháy:

Hệ thống báo cháy được điều khiển hoạt động bởi 1 tủ trung tâm báo cháy. Tủ trung tâm báo cháy chính được đặt tại phòng trực pccc của tòa nhà, nơi có người trực 24/24h.

Tủ trung tâm báo cháy là nơi tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và sẽ đưa ra các tín hiệu điều khiển các thiết bị chấp hành. Các tín hiệu báo cháy được gửi về từ các đầu báo cháy loại thường. Các đầu báo cháy có thể chuyển thông tin báo cháy trực tiếp về tủ trung tâm. Các đầu báo cháy thiết kế cho công trình bao gồm 2 loại là đầu báo cháy nhiệt và đầu báo cháy khói quang. Ngoài các đầu báo cháy, tín hiệu báo cháy còn được tiếp nhận thông qua nút ấn báo cháy. Loại tín hiệu này do con người phát hiện đám cháy và nhấn nút để báo về tủ trung tâm, tủ trung tâm báo cháy còn có chức năng kiểm soát hệ thống chữa cháy bằng nước. Ngoài ra tủ trung tâm báo cháy còn đưa ra các tín hiệu điều khiển các thiết bị ngoại vi

hoạt động như đã cấu hình từ trước như: Điều khiển hệ thống thang máy chạy về tầng 1, điều khiển hệ thống tăng áp cầu thang và hệ thống hút khói hành lang hoạt động, điều khiển còi đèn báo cháy thường và điều khiển các hệ thống khác có trong công trình tùy thuộc vào việc lựa chọn thêm hệ thống cần điều khiển

4.2.   Hệ thống chữa cháy Sprinkler kết hợp họng nước chữa cháy vách tường:

Bình thường trong hệ thống luôn luôn được tích lũy sẵn áp suất trong đường ống. Khi sử dụng nước cho chữa cháy (họng nước chữa cháy vách tường phun nước hoặc các đầu phun Sprinkler phun nước) thì áp suất trong đường ống sẽ giảm đi. Các công tắc áp lực được lắp vào đường ống sẽ được kích hoạt khi áp suất của hệ thống giảm đến giá trị đủ nhỏ tới ngưỡng tác động khởi động bơm bù áp chữa cháy. Khi đó, công tắc áp lực sẽ cấp tín hiệu để khởi động máy bơm bù áp lực. Nếu máy bơm bù áp lực không cung cấp đủ lượng áp suất cần thiết thì áp suất trong đường ống vẫn tiếp tục giảm, giảm đến ngưỡng tác động của công tác áp lực cho máy bơm chính khi đó, công tắc áp lực này sẽ tác động để khởi động máy bơm chữa cháy chính. Trong trường hợp máy bơm chữa cháy chính không hoạt động (có thể do sự cố) thì áp suất lại giảm tiếp nữa và khi đó, 1 công tắc áp lực cho máy bơm dự phòng sẽ được kích hoạt để khởi động máy bơm dự phòng.

Khi máy bơm hoạt động và tạo ra được áp lực trong đường ống, áp lực này tăng đến giá trị đủ lớn cho phép thì công tắc áp lực sẽ tác động để dừng sự hoạt động của máy bơm.

Tại trạm bơm, trên các đường ống chính cấp nước cho từng khu vực có lắp đặt van báo động, các van báo động sẽ hoạt động khi có dòng nước chảy qua.

Tại mỗi tầng của công trình đều được trang bị 1 van chặn tổng, 1 công tắc dòng chảy và 1 van chặn nhỏ hơn dùng để xả áp trong tầng đó khi cần thiết (khi kiểm tra hoặc sửa chữa đường ống tầng). Van chặn dùng để tách riêng vùng đó khỏi hệ thống khi có nhu cầu sửa chữa hoặc bảo dưỡng, trong khi sửa chữa vùng đó thì các vùng khác vẫn có thể hoạt động bình thường. Công tắc dòng chảy để báo cho biết khi vùng nào đang có dòng nước chảy qua. Van chặn DN32 có tác dụng xả nước trong đường ống ở khu vực tầng đó khi bảo dưỡng, cũng có thể dùng van đó để kiểm tra sự hoạt động của vùng đó cũng như của trạm bơm.

Các công tắc dòng chảy được nối với hệ thống báo cháy tự động. Công tắc dòng chảy để cung cấp tín hiệu chữa cháy ở khu vực đó về tủ trung tâm báo cháy. Hệ thống báo cháy sẽ biết được khu vực nào đang có hoạt động chữa cháy diễn ra.

Các đầu phun chữa cháy Sprinkler được lắp đặt trên trần của công trình, mỗi đầu Sprinkler được coi như 1 van khóa, các đầu phun có 1 cơ cấu khóa van bằng 1 ống thủy tinh đựng chất lỏng dễ bay hơi. Các khóa này sẽ bị vỡ khi nhiệt độ môi trường đạt tới 1 giá trị xác định. Ở đây, hệ thống dùng các đầu phun theo tiêu chuẩn 680C, khi các ống thủy tinh vỡ ra, van khóa sẽ được mở và nước trong đường ống sẽ phun ra.

4..3.   Các trụ tiếp nước chữa cháy và trụ chữa cháy ngoài nhà:

Hệ thống chữa cháy dùng nước đã được tính toán thiết kế theo tiêu chuẩn, tuy nhiên trong nhiều trường hợp hệ thống có thể không vận hành do nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khác quan. Giả sử 1 đám cháy quá lớn và lượng nước dự trữ cho chữa cháy không còn đủ dùng, hoặc trường hợp khác hệ thống máy bơm không hoạt động, khi đó các trụ tiếp nước sẽ rất hữu ích. Các trụ tiếp nước chữa cháy sẽ tiếp nước trực tiếp vào hệ thống ống chữa cháy của công trình. Khi đó, các xe chữa cháy chuyên nghiệp chỉ cần đấu bơm vào các họng tiếp nước và cung cấp nước chữa cháy vào trong nhà để chữa cháy.

5: TÍNH TOÁN KHỐI TÍCH BỂ NƯỚC VÀ MÁY BƠM CHỮA CHÁY

Lựa chọn điểm tính toán: thep phụ lục tính toán

Tính toán máy bơm chữa cháy, bể nước chữa cháy

Căn cứ vào cường độ phun cho từng khu vực và vị trí của từng khu vực theo đặc điểm kiến trúc của công trình thì việc tính toán thủy lực cho hệ thống được tính cho những vị trí bất lợi nhất về lưu lượng và áp lực:

Khi có cháy xảy ra lưu lượng nước cần thiết lấy từ nguồn cung cấp nước cơ bản để hệ thống làm việc: Các thông số được thể hiện trong phụ lục bảng tính.

6. HỆ THỐNG HÚT KHÓI

6.1. TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ VÀ THAM KHẢO

Hệ thống hút khói phục vụ cho công trình được thiết kế căn cứ vào các tiêu chuẩn thiết kế sau:

Tiêu chuẩn & Quy chuẩn Việt Nam

QCXDVN 05-2008/BXDNhà ở và công trình công cộng An toàn sinh mạng và sức khỏe
TCVN 2622-1995Phòng cháy chống cháy cho nhà và công trình. Yêu cầu thiết kế
QCXDVN 09: 2017QCKT Quốc gia về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả
TCVN 232: 1999Hệ thống thông gió-Điều hoà không khí và cấp lạnh-Chế tạo lắp đặt và nghiệm thu
TCVN 5687: 2010Thông gió- Điều hòa không khí- Tiêu chuẩn thiết kế
QCVN 06- 2022/BXDQuy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình

6.2. Hệ thống hút khói

Tính toán chi tiết hệ thống hút khói và cấp bù khí theo phụ lục kèm theo.

Các quạt hút khói kể cả động cơ sẽ có thể hoạt động được có hiệu quả tại 300°C trong 2 giờ và được nối với nguồn điện máy phát dự phòng. Dây cấp nguồn là dây chống cháy ít nhất 2 giờ.

Tính toán hệ thống hút khói sự cố và cấp bù khí
Tính toán cột áp quạt hút khói sự cố

6.3. Hệ thống cấp không khí bù:

Để bù lại lượng không khí do hệ thống hút khói hút ra, tránh gây ra hiện tượng chênh lệch áp suất giữa các khu vực.

Hệ thống cấp không khí bù thiết kế theo cơ chế tự nhiên, mở các louver trên mặt ngoài tường đảm bảo cấp đủ 100% lưu lượng hút khói, vận tốc qua các lỗ mở không quá 6m/s.

7. KẾT LUẬN

Qua quá trình nghiên cứu tính toán trên cơ sở yêu cầu của chủ đầu tư và các quy định của tiêu chuẩn nhà nước, cộng với nghiên cứu khả năng kỹ thuật của các hãng sản xuất thiết bị PCCC. Chúng tôi đã đưa ra được giải pháp hệ thống PCCC hiện đại, đạt độ an toàn cao, phù hợp với các tiêu chuẩn của nhà nước trong lĩnh vực PCCC.

Hệ chữa cháy chủ đạo bằng nước và phụ trợ là bình bột chữa cháy xách tay. Khi đám cháy mới phát sinh còn cháy nhỏ thì có thể dùng phương tiện chữa cháy ban đầu là các bình chữa cháy để dập tắt.

Hệ thống Phòng cháy, chữa cháy được thiết kế thoả mãn yêu cầu của chủ đầu tư đề ra.

Hệ thống phòng cháy chữa cháy là hệ thống hiện đại có độ tin cậy cao./.

III- TỔNG KẾT

Thuyết minh thiết kế PCCC 2023 mới nhất không chỉ là bước quan trọng trong quá trình xin phép xây dựng, thẩm duyệt PCCC mà còn đảm bảo an toàn và tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư. Để đảm bảo hiệu quả và tuân thủ, nên tìm đến các chuyên gia, công ty có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực này.

Phòng cháy Bảo Minh tư hào cung cấp dịch vụ tư vấn thẩm duyệt thiết kế hệ thống PCCC Chuyên nghiệp – Uy tín toàn quốc,

Bài viết nổi bật

THI CÔNG PCCC KHU CÔNG NGHIỆP TẠI VĨNH PHÚC

05/09/23

THI CÔNG PCCC KHU CÔNG NGHIỆP TẠI VĨNH PHÚC

Thi công Phòng cháy chữa cháy (PCCC) là một phần quan trọng trong quá trình đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp, đảm bảo tính mạng và tài sản của cả người lao động và doanh nghiệp. Tỉnh Vĩnh Phúc, nằm ở phía Bắc Việt Nam, cũng không ngoại lệ khi tập trung […]

Đọc tiếp
Nhà Thầu Thi Công PCCC Chuyên Nghiệp Bảo Minh – Giải Pháp An Toàn Cho Mọi Công Trình

08/08/23

Nhà Thầu Thi Công PCCC Chuyên Nghiệp Bảo Minh – Giải Pháp An Toàn Cho Mọi Công Trình

Hiện nay, việc lựa chọn một Nhà thầu thi công pccc chuyên nghiệp là một yếu tố quan trọng. Với Bảo Minh, một đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế, thẩm duyệt, thi công, nghiệm thu PCCC, Bạn sẽ hoàn yên tâm nhận được dịch vụ chất lượng cao và uy tín, chuyên […]

Đọc tiếp
THI CÔNG PCCC CHUYÊN NGHIỆP UY TÍN HÀNG ĐẦU HÀ NỘI

27/07/23

THI CÔNG PCCC CHUYÊN NGHIỆP UY TÍN HÀNG ĐẦU HÀ NỘI

Dịch vụ thi công PCCC Bạn đang tìm kiếm dịch vụ thi công PCCC chuyên nghiệp và đáng tin cậy? Chúng tôi tự hào giới thiệu đến bạn dịch vụ thi công hệ thống PCCC Hà Nội và toàn quốc hàng đầu, đảm bảo mang đến giải pháp an toàn cháy nổ tối ưu cho […]

Đọc tiếp

LIÊN HỆ PCCC BMC

Văn phòng

Tầng 11, Tòa nhà VEAM
Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội


Kết nối với chúng tôi